Người Việt mua sắm trực tuyến nhiều nhất Đông Nam Á
Trung bình trong 1 năm, mỗi người mua sắm trực tuyến Việt Nam đặt 104 đơn hàng, cao nhất Đông Nam Á.
Thị trường TMĐT lớn thứ 2 khu vực
Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Thống kê từ tháng 11/2021 đến nay, Shopee là sàn TMĐT thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay với doanh số lên tới 43.118 tỷ đồng, chiếm 72% thị phần. Đứng thứ 2 là Lazada với thị phần 20,9%. Xếp ngay sau là Tiki và Sendo.
Ước tính doanh thu TMĐT Việt Nam trong năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với nắm 2020. Còn theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đà tăng trưởng của TMĐT đạt trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng này, các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.
104 đơn hàng mỗi năm: cao nhất Đông Nam Á
Một số liệu đáng chú ý trong báo cáo chỉ số thương mại điện tử của Công ty chuyển phát bưu kiện DPD Group, trung bình mỗi người mua sắm trực tuyến Việt Nam đặt 104 đơn hàng 1 năm, nhiều hơn gần gấp đôi so với con số trung bình 66 đơn hàng khảo sát từ 6 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á.
Kể từ khi dịch bùng phát, Việt Nam có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến theo thống kê của Lazada Việt Nam. Trong một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến của Lazada và công ty nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố tháng 3/2022, có tới 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là thói quen không thể thiếu mỗi ngày.
52% chọn mua hàng Việt
Về sản phẩm, thống kê cho thấy một số ngành hàng như làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay. Đặc biệt, có tới 52% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Phân khúc sản phẩm có mức giá từ 200.000 – 5.000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2022.
59% người Việt mua hàng xuyên biên giới
Công bố mới nhất của Ninja Van Group và DPDgroup cho biết, người Việt cũng như xu hướng chung trong khu vực Đông Nam Á đang dần mở rộng mua sắm hàng hoá ra các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan …
Trong bảng dữ liệu về tần suất mua sắm từ các website nước ngoài của Ninja Van, có tới 59% người Việt cho biết từng nhiều lần mua hàng nước ngoài, đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Singapore là 60%.
Chỉ sau chưa đầy 3 năm phát triển dịch vụ nhập hàng quốc tế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, công ty vận chuyển Ninja Van Group đã có danh sách khách hàng hơn 600 doanh nghiệp/chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý...) thường xuyên sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu, phát sinh hơn 2.000 đơn hàng vận chuyển quốc tế tạo ra giá trị thương mại trung bình hơn 60 tỷ đồng mỗi tháng.