Người đàn ông 49 tuổi thoát "cửa tử" sau chấn thương thấu tim phổi
Bệnh nhân bị đâm vào vùng thành ngực bên trái, gãy 2 xương sườn kèm theo thủng phổi, vết đâm xuyên vào tim ở thành bên của thất trái gây chảy máu rất nhiều
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu thành công bệnh nhân N.V.D. (49 tuổi, ở Phú Thọ) ngừng tim do vết thương thấu tim, phổi.
Trước đó, bệnh nhân bị đâm vào vùng thành bên ngực trái, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu có tim đập trở lại, dẫn lưu máu màng phổi phải chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, niêm mạc nhợt, sốc nặng huyết áp phụ thuộc 2 vận mạch. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực – Chống độc, Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu…
Xác định đây là một tình huống tối khẩn cấp do gãy 2 xương sườn kèm theo thủng phổi, vết đâm xuyên vào tim ở thành bên của thất trái với kích thước khoảng 3 cm, gây chảy máu rất nhiều. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu người bệnh.
Do vết thương ở thành bên thất trái áp lực rất cao nên việc xử lý vô cùng khó khăn. Các bác sĩ đã phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thế, dừng hẳn tim lại mới có thể xử lý được vết thương thất trái, duy trì 2 vận mạch và truyền 6,5 lít máu trong mổ. Sau 07 giờ, phẫu thuật khâu thành tim trái, khâu vết thương phổi, kết hợp xương sườn thành công.
Theo BSNT. Dương Xuân Phương – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), đây là một trong những ca bệnh phức tạp và nguy hiểm nhất mà các bác sĩ từng xử lý.
Bệnh nhân có ngừng tuần hoàn một lần ở tuyến huyện, vào viện trong tình trạng sốc giảm thể tích nặng, vết thương lớn vị trí thất trái nên chảy máu rất nhiều, phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo, ngừng tim thì mới có thể khâu được vết thương.
Cùng với đó, tình trạng chảy máu từ vết thương phổi cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý. Các bác sĩ đã phải truyền tổng cộng hơn 8 lít máu cho người bệnh (6,5 lít trong mổ và 2 lít sau mổ).
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được phối hợp điều trị hồi sức chuyên sâu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Hiện, sau 02 tháng điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.