Ngày Tết, người bị gout ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Chế độ ăn uống có liên quan quan chặt chẽ với các vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh gout. Trong những ngày Tết, người bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần hết sức chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và sinh hoạt.
Chế độ ăn của người bệnh gout rất quan trọng bởi một trong những nguyên nhân khiến nồng độ acid uric tăng cao gây ra bệnh gout là chế độ ăn thiếu lành mạnh.
Khi người bệnh tiêu thụ quá nhiều món ăn, thức uống chứa nhiều đạm, nhân purin gây tích trữ axit uric dẫn tới tình trạng viêm sưng khớp kèm theo triệu chứng đau nhức.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, số lượng bệnh nhân gout gia tăng mỗi dịp Tết đến xuân về. Sở dĩ bệnh gout bùng phát vào dịp Tết vì các bữa ăn, đồ uống đón năm mới quá đa dạng và phong phú về cả chất và số lượng. Đây được xem là một thách thức rất lớn với người bệnh gout. Bên cạnh chỉ số acid uric tăng cao đột biến, kết quả xét nghiệm ở những bệnh nhân gout trong ngày Tết thường là máu nhiễm mỡ tăng, men gan tăng và chức năng thận giảm…
Ngày Tết, người bệnh gout nên tránh những thực phẩm nào?
Hội thấp khớp học Mỹ khuyến cáo người bị bệnh gout nên hạn chế rượu, thịt, sữa bắp có hàm lượng Fructose cao, giảm cân đối với những người vượt quá cân nặng bình thường hay béo phì.
Các loại thịt đỏ
Các loại thịt đỏ thường chứa lượng đạm cao nên khi người bệnh gout ăn nhiều sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric máu gây ra các cơn đau gout.
Hải sản
Đây là loại thực phẩm vừa giàu đạm lại nhiều chất béo khiến bệnh gout càng đau đớn và trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các loại hải sản lại là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, rất tốt cho sức khỏe.
Do đó, thay vì kiêng tuyệt đối, người bệnh vẫn có thể ăn hải sản trong mức hợp lý dưới 100mg purin/ngày, một tuần ăn tối đa 2 lần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Ảnh minh họa.
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật (gan, thận, tim, dạ dày, óc…) chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, các vitamin nhóm B, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen nhưng lại có lượng cholesterol và purin khá cao nên có thể gây ra các cơn đau gout cấp bất cứ lúc nào.
Rượu, bia, đồ uống có gas
Tết đến xuân về, đồ uống có cồn, có gas trở thành một phần không thể thiếu trên các mâm cơm. Người bệnh gout nên tránh hoàn toàn những loại đồ uống như rượu bia, nước ngọt, nước tăng lực vì những thực phẩm này gây tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải urat qua thận. Nước ngọt, nước tăng lực làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ mắc gout và sỏi thận, không tốt cho người bệnh gout.
Ảnh minh họa.
Đồ ngọt
Người bệnh gout cũng nên hạn chế để tránh thừa cân hoặc đường tăng cao gây tiểu đường, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gout.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng và thực phẩm có chứa đường luôn nằm trong danh sách nên hạn chế khi nói một chế độ ăn uống lành mạnh. Với người bệnh gout, siro ngô có hàm lượng đường frucstose cao mới là vấn đề cần lưu ý. Nguyên nhân là do lượng đường fructose cao ảnh hưởng đến khả năng phân hủy purin của cơ thể và có thể dẫn đến tăng nồng độ axit uric.
Ngoài ra, không thể không kể đến món nem chua. Đây là đồ nhắm rất hấp dẫn trong dịp Tết nhưng vị chua trong nem được sinh ra từ thính gạo và thịt lợn có thể tăng acid uric máu.
Bánh chưng, dưa hành, thịt đông
Bánh chưng, dưa hành, thịt đông là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm không hề tốt cho người bệnh gout khi tiêu thụ quá nhiều. Nếu bánh chưng làm tăng sưng viêm thì thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành lại có hàm lượng muối cao.
Ảnh minh họa.
Những thực phẩm người bệnh gout nên ăn
Để vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa phòng ngừa bệnh gout trở nặng vào dịp Tết, người bệnh vẫn có thể tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như các loại cá: cá chép, cá diêu hồng, cá rô, thịt trắng (ức gà) với khoảng 1.800 kcal/ ngày, trong đó có khoảng 100 - 150g thịt/ngày và 400g rau xanh, hoa quả…
Người bệnh nên ưu tiên rau xanh, hoa quả như rau cải bẹ xanh, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ và các loại quả dưa hấu, nho, táo, lê, đu đủ chín vừa ít purin, vừa giàu vitamin C, E.
Tích cực ăn thực phẩm ít purin như ngũ cốc, bơ, các loại hạt… đặc biệt trứng, sữa không chứa purin nên được người bệnh gout thường xuyên sử dụng.
Uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể đào thải acid uric ra ngoài bằng đường nước tiểu và hạn chế kết tinh urat tại các tổ chức.
Ngoài ăn uống hợp lý, người bệnh gout nên duy trì thói quen tập thể dục, tránh làm việc nặng, quá sức. Ngày Tết, việc ăn nhiều các món chứa đạm là không tránh khỏi. Lúc này người bệnh nên tăng cường vận động để tiêu hao lượng calo dư thừa bằng cách đi bộ, đạp xe đạp,...
--> 5 "tuyệt chiêu" uống rượu bia ngày Tết giúp bảo vệ sức khỏe