Trẻ em mắc Covid-19 gặp di chứng gì sau khi khỏi bệnh?

Giống như người lớn, trẻ em mắc COVID-19 có thể gặp các di chứng sau khi khỏi bệnh. Vì thế, bố mẹ cần nắm bắt các thông tin này để bảo vệ sức khỏe của con.

Trẻ em cũng có thể gặp các di chứng hậu COVID-19

Tại TP.HCM, tính từ đầu mùa dịch đến nay, tổng số trẻ em duới 16 tuổi mắc COVID-19 là 32.429 trẻ. Tổng số ca tử vong tại TP đến nay là 20.377 ca, trong đó có 48 trẻ em dưới 16 tuổi và 62 phụ nữ mang thai. 

Tại Hà Nội, hiện mỗi ngày cũng có hàng chục ca mắc COVID-19 là trẻ em đến tư vấn tại Bệnh viện Nhi trung ương.

So với tỉ lệ tử vong chung (1,6%), tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong hoặc có biến chứng nặng thấp hơn nhiều lần. Tuy nhiên trả lời báo chí mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19.

Ông Lân cho biết thực tế trẻ từ 5 - 12 tuổi mắc COVID-19 cũng ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với bệnh nhân là người trưởng thành.

"Tuy nhiên khi mắc COVID-19 ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiệu "hậu COVID-19". Người ta gọi đây là các di chứng cấp tính sau mắc COVID-19 như viêm đa hệ ở trẻ em (viêm da, viêm khớp), giảm mức độ tập trung...", ông Lân nói.

Thứ 2, với chủng biến thể Omicron, qua theo dõi cho thấy lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng. 

Bất kỳ lứa tuổi nào mắc COVID-19 cũng có thể gặp di chứng sau khi khỏi bệnh (Ảnh minh họa)

Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm ngừa COVID-19 cho trên 10 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12. 

Ông Lân cho rằng việc tiêm chủng có 2 ý nghĩa, vừa giảm lây nhiễm cho các cháu, vừa giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, từ đó bảo vệ cho những người nguy cơ cao như người chưa đến tuổi tiêm chủng, người có chống chỉ định với tiêm chủng, người chưa tiêm vắc xin... 

"Việc hoàn thành tiêm chủng cũng giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời", ông Lân nói thêm.

Cho đến nay đã có 44 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai tiêm chủng cho trẻ lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong số này có quốc gia/vùng lãnh thổ tiêm cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho trẻ có nguy cơ cao gặp biến chứng nếu mắc COVID-19.

Cơ thể hậu COVID-19 yếu hơn trước khi mắc bệnh

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, các biểu hiện sau khi khỏi COVID-19  có thể là hậu quả viêm toàn thân do virus phát tác sau khi âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.

Theo bác sĩ Hoàng, thời gian đầu, tình trạng viêm chưa lan toả toàn thân mà còn khư trú ở một số cơ quan trên cơ thể. Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan toả toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên, dù người bệnh đã âm tính nhiều tuần.

Nói cách khác, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bị dương tính nhưng không biểu hiện, mà khi âm tính rồi mới phát tác. Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải gồng lên để chiến đấu với virus, dẫn tới hậu quả sau đó cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.

Sau khi khỏi, cơ thể người bệnh F0 có thể yếu hơn khi mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Viêm toàn thân lan tỏa khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Tình trạng rối loạn đông máu trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông cũng có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi... Trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi.

Không chỉ vậy, viêm toàn thân và rối loạn đông máu ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải như natri, kali, clo, canxi... giảm, khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, bệnh nhân gặp di chứng hậu COVID cần đến bệnh viện khám để được tư vấn cụ thể. Trong điều trị, những người xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 nói chung nên điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì, vận động phù hợp sức khỏe.

Trường hợp viêm toàn thân lan tỏa được khuyến cáo dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất, các sản phẩm giúp giảm căng thẳng như thực phẩm chức năng tác dụng an thần, tăng cường tuần hoàn não... có nguồn gốc thảo dược. Ngoài ra, bệnh nhân áp dụng thêm các biện pháp tâm lý. Nếu được điều trị tốt, các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn định sau khoảng 3 - 4 tuần.

-->> Làm gì để trẻ không mắc COVID-19 khi đi học trở lại?