Tổng cục Thống kê: Áp lực lạm phát cuối năm khá lớn

“Mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Tổng cục Thống kê vừa có thông báo về tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 2, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng, nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.

Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Nhiều giải pháp bình ổn giá đã được áp dụng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, trong đó có việc giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.

Giá cả leo thang, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu. (Ảnh; Vietnam +)

Những giải pháp này đã gúp mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy vậy, theo bà Hương, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn khá lớn. Ảnh hưởng từ các yếu tố như giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, đà tăng phi mã của giá xăng dầu đang tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn nên sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt.

“Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn khi kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt được như kỳ vọng đề ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi trong khi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường”, bà Hương đánh giá và cho rằng, hệ thống chính trị cần quyết liệt thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, chủ động bám sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản, để có giải pháp điều hành kịp thời với các tình huống phát sinh.

Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong khu vực khi duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II/2022, với GDP đạt mức tăng trưởng 7,72%, tăng 0,99 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả điều tra trong quý II/2022 cho thấy, có 78,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Và dự kiến quý III/2022, có 85,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2022; chỉ có 15,0% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó những ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng đều tăng trưởng khá tốt như ngành chế biến chế tạo tăng 9,66%, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 11,19%, vận tải kho bãi tăng 8,13%, bán buôn bán lẻ tăng 5,82%...