Người bệnh đái tháo đường tập luyện thể thao được không, tập thế nào cho đúng?

Người bệnh đái tháo đường dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm và BS Phạm Quang Thuận đã đưa ra những lời khuyên về tập luyện thể thao để duy trì sức khỏe.

BS.Phạm Quang Thuận - Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose máu có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt là các biến chứng thần kinh và mạch máu ngoại vi.

Việc tập luyện thể lực đúng cách giúp làm giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập, nhờ cơ chế tăng sử dụng đường tại cơ và tăng tính nhạy cảm với insulin của tế bào, về lâu dài có tác dụng ổn định nồng độ đường máu, giảm nhu cầu thuốc hạ đường máu và insulin, giảm biến chứng của bệnh. Để tập luyện có hiệu quả, an toàn, tránh những tác hại do thiếu sự chuẩn bị và do tập luyện không đúng phương pháp gây ra, người tập cần chú ý tuân thủ những nguyên tắc, hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất: Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập để phát hiện những bệnh lý, những rối loạn tiềm tàng khác hoặc những biến chứng đã có của ĐTĐ, đặc biệt là các bệnh lý hay biến chứng tim, mạch máu, huyết áp, thận, thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ quan vận động nhằm lựa chọn loại hình vận động phù hợp nhất.

Thể dục, thể thao sẽ giúp người bệnh đái tháo đường khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

Người mới luyện tập cần xác định loại hình tập luyện, cường độ, tần suất, thời gian phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình trạng sức khỏe.

Kiểm tra nồng độ đường máu trước khi tập, nếu đường máu >250mg/dl (>14mmol/L) và xét nghiệm có ceton trong nước tiểu thì nên điều trị hết ceton niệu mới tập. Khi đường máu quá cao (>300mg/dl) hoặc quá thấp (<70mg>

Chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là ở những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin. Tránh tập quá gần (<2h) hoặc quá xa (>4h) sau khi ăn.

Nên tập theo nhóm để được hỗ trợ kịp thời khi có các nguy cơ hạ đường máu hay biến chứng tim mạch (đau thắt ngực), đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh lý hoặc đã có biến chứng tim mạch. Thận trọng với những môn thể thao dã ngoại đòi hỏi gắng sức nhiều, khó xử lý kịp thời khi có bất thường như leo núi, xe đạp đường dài… Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là đối với những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân.

Chạy bộ sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết (Ảnh minh họa)

Thứ hai: Tuân thủ các nguyên tắc tập luyện. Cường độ và thời gian vận động có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả tập luyện, tuy vậy cần tránh gắng sức quá mức. Người tập có thể tự xác định được một cách tương đối cường độ vận động của mình thông qua test nói chuyện, tính nhịp tim tối đa hoặc mức độ gắng sức theo cảm nhận. Ở cường độ thấp người tập có thể vừa tập vừa nói chuyện dễ dàng, cường độ cao hơn sẽ thở khó khăn hơn, nói ngắt quãng… Để tính cường độ vận động một cách chính xác sẽ cần có sự tư vấn của bác sĩ, chuyên gia thể lực.

Khởi động khoảng 5 - 10 phút với bài tập thể dục cường độ thấp, các động tác mềm dẻo, căng dãn cơ để phòng tránh chấn thương. Tiếp theo lựa chọn các bài tập nặng hơn với cường độ từ trung bình (các bài tập sức bền), thời gian tối thiểu 30 phút mỗi ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe và đặc điểm lối sống, sở thích của cá nhân. Có thể chọn hoặc phối hợp thêm với các bài tập cường độ lớn hơn (các bài tập sức mạnh) với thời gian thích hợp. Giảm dần khối lượng và cường độ vận động khoảng 5-10 phút trước khi kết thúc buổi tập bằng các động tác thư giãn thả lỏng, co duỗi khớp, đi bộ hít thở nhẹ nhàng.

Nên bắt đầu với lượng vận động nhẹ rồi tăng dần, duy trì tập luyện với cường độ thấp hơn năng lực một chút nhưng đều đặn thường xuyên có ý nghĩa hơn nhiều so với hoạt động cường độ cao thời gian ngắn.

Thứ ba: Một số bài tập và phương pháp tập luyện phù hợp. Các hoạt động thể lực cơ bản như đi bộ, leo cầu thang, các bài tập thể dục… có thể tập luyện hàng ngày với cường độ thấp trong thời gian từ 30 phút trở lên.

Các bài tập sức bền như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ, các môn thể thao với bóng… tập với cường độ trung bình đến lớn, thời gian từ 30-60 phút, tần suất 3-5 lần/tuần.

Các hình thức tập luyện sức mạnh như các bài tập đối kháng, nhảy dây, các bài tập kéo, đẩy, nâng… với cường độ lớn, số lần thực hiện tùy thuộc năng lực người tập, tần suất 2-3 lần/tuần.

ĐTĐ có biến chứng tim mạch nên giảm cường độ, tránh các bài tập sức mạnh như nâng, đẩy, chạy nhanh, các môn đối kháng... Nếu có biến chứng ở mắt nên giảm trọng lượng và tăng số lần thực hiện động tác.

ĐTĐ có biến chứng thần kinh ngoại biên nên tập các bài tập vận động cơ bản, nhẹ nhàng, có thể tập ở tư thế ngồi hoặc nằm. Chú ý lựa chọn những loại hình vận động phù hợp khi có mắc kèm các bệnh lý cơ xương khớp, cột sống. Tập luyện với mục đích giảm cân phải phối hợp với chế độ dinh dưỡng thích hợp.

Duy trì lối sống lành mạnh, tinh thần thư thái thông qua tập luyện đúng cách với lượng vận động thích hợp giúp cải thiện chức năng của các hệ thống cơ quan khác nhau của cơ thể, nhờ đó nâng cao thể trạng và năng lực chung, phòng, điều trị và hạn chế biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ĐTĐ.