Năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại

Riêng 9 tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.

Ngày 27/9, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030” do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp tổ chức ở Bắc Giang, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê cho thấy, số ca tử vong do chó dại cắn năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.

Cũng theo ông Tấn, hầu hết các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp.

  Cán bộ thú ý tiêm thuốc phòng dại cho chó 

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp đã được đưa ra trong Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Nghị định 90/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/9/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vưc thú y đã nêu rõ: Người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

“Hiện mới có TP Hồ Chí Minh ra quân bắt chó thả rông và tới đây TP Hà Nội cũng sẽ thành lập các biệt đội bắt chó thả rông. Theo quy định này, chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ”, ông Thành cho hay.