Lao đao “bão giá”: Khó như đi chợ!

Xăng dầu tăng giá kéo theo sự leo thang của nhiều mặt hàng thực phẩm thiết. Chưa khi nào việc đi chợ cho gia đình lại trở nên khó khăn đến thế.

Sau 2 năm dịch bệnh, giờ đây ngay cả việc mua xăng, mua thực phẩm hằng ngày cũng khiến nhiều người phải lo lắng, cân đong đo đếm. Cơn bão giá hàng tiêu dùng đang ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân.

Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khô và tươi sống đã điều chỉnh sang mức giá mới, tăng giá từ 5% đến 20%. Trong đó, có nhiều mặt hàng thiết yếu với hộ gia đình như trứng, dầu ăn, mì tôm…

Cơn bão giá hàng tiêu dùng đang ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân.

Sau giờ tan làm, chị Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên văn phòng một công ty dược tranh thủ đi chợ mua ít rau, ít thịt về nấu cơm tối. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, chị vẫn không biết mua gì cho rẻ.

"Mỗi lần ra chợ cảm giác như đang bị "móc túi", bởi giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là những loại thực phẩm vốn được coi là bình dân, giá rẻ như rau xanh, đậu phụ, lạc khô…", chị Hạnh tâm sự.

Chị Hạnh dẫn chứng, một mớ rau mùng tơi trước kia giá chỉ 5.000 đồng/mớ nay đã lên 10.000 đồng/mớ, bắp cải từ 12.000 đồng nay đã 20.000 đồng/kg; trứng cũng từ 20.000 đồng vọt lên 35.000 đồng/chục; thịt, cá, gia cầm, dầu ăn, gia vị… thứ gì cũng tăng.

"Rau xanh là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nên dù có tăng giá thì vẫn phải mua, tuy nhiên, tôi đã tính toán mua để vừa đủ ăn. Ví dụ trước đây, mỗi ngày có thể mua thoải mái 3-4 loại rau theo sở thích của các thành viên trong gia đình, thì bây giờ, mỗi bữa ăn chỉ sử dụng một loại", người phụ nữ này chia sẻ.

Chị Hạnh cho biết thêm, kể từ sau Tết giá xăng dầu, hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng… tăng không ngừng nghỉ khiến cả gia đình chị đau đầu trong việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý, gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày lại càng đè nặng hơn.

Tương tự, hai vợ chồng chị Phạm Thị Lụa làm công nhân tại một xưởng mộc ở Hà Nội chia sẻ, trước dịch COVID-19, thu nhập của hai vợ chồng được gần 20 triệu đồng một tháng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, xưởng mộc gặp khó khăn phải giảm công suất, không còn tăng ca nên thu nhập của hai vợ chồng giảm chỉ còn khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập giảm nhưng chi phí sinh hoạt hằng ngày lại tăng đột biến do giá cả leo thang khiến gia đình anh chị thêm chật vật.

“Mớ rau, con cá, gas, xăng… đều tăng giá mạnh. Trước đây hai vợ chồng mỗi người đi một xe máy nhưng giờ gắng dậy sớm chút chở con đến trường rồi đi chung xe để tiết kiệm tiền xăng. Buổi chiều nấu cơm nhiều hơn bình thường để dư ra sáng mai ăn sáng chứ cũng không còn mua đồ ăn ngoài. Cái gì cần thiết lắm mới tiêu, phải đong đếm từng đồng”, chị Lụa trải lòng.

Giá cả leo thang khiến chị Lụa phải chắt bóp các khoản chi tiêu.

Cùng chung nỗi lo thời “bão giá”, chị Lê Thị Hoài  (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự, thu nhập không tăng nhưng giá cả các mặt hàng thì ngược lại khiến chị rất áp lực trong khoản chi tiêu.

“Mỗi loại thực phẩm tăng lên vài giá, chi phí cộng dồn vào, bữa cơm gia đình cũng tăng lên vài chục nghìn mỗi bữa. Bão giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày. Tôi không còn cách nào khác là phải tính toán chi li, chọn lựa thực phẩm phù hợp với túi tiền, tiêu pha hợp lý và tiết kiệm hơn", chị Hoài nói.

Có thể thấy, trong bối cảnh giá cả hàng loạt các mặt hàng hóa, hàng tiêu dùng liên tục tăng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì không còn cách nào khác người dân phải tự tìm hướng để xoay sở, giảm chi tiêu, thích nghi với thời buổi "bão giá".

Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng việc giá xăng dầu liên tiếp tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là vấn đề lạm phát. Chưa thể trả lời liệu có thể kiềm chế được lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra hay không với mức tăng như hiện nay. Tuy nhiên, khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.

Khi giá xăng dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, có những ngành hàng, mặt hàng chịu áp lực đẩy của giá xăng dầu, nhưng cũng có mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa.” Vậy nên, bên cạnh việc có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu cần tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.

-->> Tài xế xe ôm công nghệ tính chuyện bỏ nghề