Kỳ tích ở Trung tâm Bảo tồn & Phát triển dược liệu Mường Lống

Lần đầu đến Mường Lống, một xã vùng cao nghèo, xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, thật may tôi đã có dịp trò chuyện với anh Và Nỏ Vừ -  Nguyên Chủ tịch xã Mường Lống. Theo như lời Trưởng bản thì đây là một người Mông tiêu biểu, người luôn nhiệt tình, gương mẫu đi đầu với mọi công việc, được bà con trong bản tin yêu, quý trọng.

Sinh năm 1964, học xong lớp 9, Và Nỏ Vừ được tín nhiệm bầu làm cán bộ đoàn thanh niên, trưởng thành từ phó bí thư lên bí thư xã đoàn. Sau đó anh tiếp tục đi học hết phổ thông, rồi Trung cấp nông lâm để về làm Phó bí thư rồi Bí thư đảng bộ xã Mường Lống. Trải qua 2 nhiệm kỳ Bí thư anh lại được bà con thôn bản tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã và nghỉ hưu từ tháng 7/2020.

Ồng Và Nỏ Vừ -  Nguyên Chủ tịch xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Tỉnh Nghệ An

Hỏi anh về bí quyết thành công khi làm lãnh đạo ở một xã vừa xa vừa nghèo với bao nhiêu tục lệ lạc hậu từ ngàn đời. Anh chỉ cười, nụ cười hiền lành rất thật của một người Mông ở vùng xa tít tắp, cách Thủ đô Hà Nội hơn 600km, xa hơn từ Vinh về Thủ đô.

Thu hoạch Mận Tam Hoa nổi tiếng ở Mường Lống (Nguồn: Báo Nghệ An)

Một già Làng ở Mường Lống đã nhận xét về ông Bí thư, Chủ tịch Và Nỏ Vừ một thời rất ngắn gọn và súc tích: “ Ông ấy đã cả cuộc đời vì dân. Bí quyết thành công ở ông ấy đơn giản chỉ là kiên trì tuyên truyền, vận động thuyết phục theo nguyên tắc biến mâu thuẫn to thành nhỏ, mưa dầm thấm lâu. Cứ thế, ông ấy được bà con tin yêu và kính trọng”.

Phải chăng, nhờ thế mà nhiều năm qua, xã Mường Lống phát triển thuận lợi, thanh bình. Cây thuốc phiện được xoá bỏ thay vào đó là cây ăn quả, mùa nào thức nấy. Những cánh đồng cỏ voi, cỏ Nhật trải dài tít tắp cho đàn trâu bò thả sức sinh sôi, đường thôn bản dần được bê tông hoá theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm…

Ngắm mây từ Cổng Trời Mường Lống (Nguồn: Báo Nghệ An)

Hiện nay, nhắc đến Mường Lống nhiều người biết đặc sản gà đen, trâu bò xuất đi các tỉnh trong cả nước kể cả sang cả Trung Quốc. Nhắc đến Mường Lống là nhiều người tìm mua Mận Tam Hoa, đặc biệt là mua dược liệu quý như nấm linh chi, Hà thủ ô đỏ, sâm Puxailaileng, đỗ trọng, tam thất, lan kim tuyến, lan thạch hộc, giảo cổ lam, lạc tiên, đương quy, đẳng sâm…

Nhiều cây thuốc quý đang được bảo tồn nhân giống ở Mường Lống

Nhiều người dùng sản phẩm ngon, sạch của TH nhưng ít người biết đến vùng nguyên liệu cung cấp dược liệu để làm nên những đồ ăn, đồ uống chất lượng ấy là từ Mường Lống. Ở đây có cả một Trung tâm Bảo tồn & Phát triển dược liệu của Tập đoàn TH còn mê hoặc hơn cả mùa thu bên Hàn Quốc nếu bạn được một lần trải nghiệm.

Hỏi anh Và Nỏ Vừ về dấu ấn đáng nhớ nhất trong những năm tháng làm cán bộ, anh cười, cho biết xoá được cây thuốc phiện, để bà con không chìm đắm trong cảnh nghiện, trồng thành công cỏ Nhật để giảm được sức lao động, cỏ cứ mọc tự nhiên, bò cứ ung dung mà chén mà lớn... 

Hơn một giờ trò chuyện với một người đàn ông người dân tộc Mông, thật khó có thể tả hết niềm vui của ông Và Nỏ Vừ khi ngược thời gian, tìm lại quãng thanh xuân của chính mình, trọn đời cống hiến cho quê hương, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.

Ở tuổi này rồi, ông có mong muốn gì? Và Nỏ Vừ lại cười, rồi nói thật chậm: “Lẽ ra lúc trẻ phải tập trung làm kinh tế, nhưng nghỉ hưu rồi tôi mới bắt tay làm kinh tế gia đình. Mỗi ngày của tôi bây giờ là vừa bảo vệ những cánh rừng cổ thụ đại ngàn, nơi nghiên cứu nhiều dược liệu và nhân giống những cây thuốc quý của Tập đoàn TH vừa kết hợp chăn nuôi bò và gà đen… Đổi lại, tôi có một gia đình hạnh phúc, các con đều ngoan và trưởng thành, có công việc làm ổn định. Tôi may mắn vì có được sự tin yêu của bà con. Khi bà con đã tin yêu, đồng sức đồng lòng thì việc gì cũng thành công”.

Niềm vui của ông Chủ tịch xã Mường Lống ngày nào, và ông Đội trưởng Đội bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn & Phát triển dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH hiện nay thật giản dị khiến tôi cứ nhớ mãi. Nhớ cả những cây thuốc quý lần đầu biết đến như cây bảy lá một hoa... Với tôi, 2 ngày ở Mường Lống, tận mắt thấy, tai nghe những câu chuyện ở đây quả những kỳ tích.

Xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có diện tích 142,30 km², có 15 bản của người Mông bao gồm 7 dòng họ với hơn 993 hộ, đa số các hộ đều có 4 thế hệ cùng sống chung, mật độ bình quân 34 người/km2.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7,1-7,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 40,7 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo nay còn 1,34%; làng văn hóa 13/14 làng đạt 92,85%; Gia đình văn hóa đạt 88,8%. xã Mường Lống được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Địa lý, cảnh quan và khí hậu mát mẻ của xã Mường Lống được ví với "một Đà Lạt giữa miền Trung nắng cháy, hay một Sa Pa giữa miền Trung cát trắng. Các đỉnh núi nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, một ngày có đủ 4 kiểu thời tiết của mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Nhắc đến Mường Lống hiện nay, người ta còn biết đến Trung tâm Bảo tồn & Phát triển dược liệu Mường Lống do Tập đoàn TH đầu tư, tiên phong đặt nền móng cho ngành thảo dược bằng cách định hướng người tiêu dùng các sản phẩm từ thảo dược có lợi cho sức khoẻ, hoàn toàn từ thiên nhiên, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới.

Tạo ra một cuộc cách mạng làm kinh tế dưới tán rừng: hái lượm những thảo dược từ thiên nhiên và trồng hữu cơ dưới tán rừng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân, gìn giữ môi trường. Với trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới, Tập đoàn TH đã và đang cho ra đời các sản phẩm từ thảo dược tự nhiên như món quà “Mẹ thiên nhiên” ban tặng cho chúng ta.