Giá xăng tăng kỷ lục: Người dân tìm đến phương tiện công cộng

Khi giá xăng tiếp tục lập đỉnh và đến gần 33.000 đồng/lít, nhiều người đã phải nghĩ đến việc tìm các phương tiện công cộng nhằm giảm chi phí đi lại.

Nếu cách đây một năm việc đổ xăng mỗi tháng của tôi tiêu tốn khoảng trên 3 triệu thì hiện tại con số này đã nhảy vọt lên xấp xỉ 5 triệu đồng. Với giá xăng như hiện nay, có lẽ tôi thật sự phải suy nghĩ về các phương án khác”, một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Theo nhiều nhân viên công sở, chi phí xăng dầu của họ đã tăng đến 50% so với cùng kỳ.

Tính toán sơ bộ, giá xăng tăng cao, giải pháp dùng phương tiện công cộng sẽ phải tính đến. Một người đi làm bằng ôtô cá nhân, hằng ngày đi 10km đến chỗ làm, tiêu thụ 1 lít xăng, tương đương gần 33.000 đồng. Trong khi đó, giá xe bus hiện nay, kể cả BRT cũng chỉ 7.000 – 9.000 đồng cho từng đó quãng đường. Giá tàu điện trên cao khoảng 12.000 đồng/ lượt. Như vậy, đã giảm được trên 70% chi phí mỗi tháng.

Những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong câu chuyện hạn chế xe cá nhân vào nội đô thì việc tăng giá xăng sẽ trở thành “yếu tố tự nhiên” để khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện.

Giá xăng tăng kỷ lục, người dân bắt đầu tìm đến các phương tiện công cộng. (Ảnh: Vietnam+)

Trên thực tế, xu hướng sử dụng phương tiện công cộng thay cho cá nhân đã gia tăng mạnh mẽ trên nhiều đô thị lớn của thế giới trong thời gian qua, nguyên do được xác định từ áp lực của giá xăng.

Tại Anh, một dữ liệu ban đầu cho thấy, việc sử dụng xe bus và xe đạp đều tăng mạnh kể từ tháng 3. Theo đó, tỷ lệ người đi xe bus ít nhất một lần mỗi tuần đã tăng từ 12% trong tuần đầu tiên của tháng 3 lên 15% vào tuần cuối tháng 5, cơ quan giám sát Transport Focus cho hay.

Còn theo Liên đoàn Vận tải hành khách Anh, số người sử dụng xe bus đã tăng thêm hơn 1 triệu, và nhu cầu đi lại bằng phương tiện này đang tiếp tục tăng.

Tại Việt Nam, việc thay đổi thói quen đi lại không chỉ giúp người dân thích ứng với hoàn cảnh mà đây có thể xem là bước khởi đầu cho việc chuyển hướng sang sử dụng các loại hình giao thông xanh vì môi trường và an toàn, sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, Hà Nội đã phê duyệt các đề án hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng. Gần đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội đang đề xuất cấm xe máy từng bước trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và bên trong vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng bắt đầu sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so kế hoạch.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông Hà Nội nhìn chung còn yếu kém, đường sá còn hẹp, đường 4 làn xe rộng 20-30 mét còn rất ít.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng rất ít nhu cầu đi lại của người dân. Hà Nội nên đa dạng phương tiện công cộng loại nhỏ như xe bus 9, 12, 15 chỗ, giúp người dân đi lại trên các tuyến phố chật hẹp.

Ngoài ra, cần khuyến khích việc sử dụng xe đạp, đi bộ ở cự ly ngắn như bố trí làn đường riêng cho người đi xe đạp, giữ vỉa hè cho người đi bộ. Có như vậy, bài toán chuyển đổi từ xe cá nhân sang xe công cộng mới có thể có hiệu quả.