"Cái chết" lãng xẹt từ những liều thuốc do bác sĩ mạng kê đơn

Chuyên gia y tế cho rằng, hậu COVID-19 người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo “thần thánh” về sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi được bác sĩ mạng kê đơn.

Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh gặp các triệu chứng hụt hơi, khó thở và rất lo lắng về sức khỏe hậu Covid-19 nên có xu hướng lên mạng xã hội tự tìm mua các thuốc bổ phổi, thanh lọc phổi có giá hàng triệu đến chục triệu đồng/1 hộp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải F0 nào cũng gặp phải các di chứng hậu COVID-19, người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Tràn lan những loại thuốc quảng cáo bổ phổi chữa hậu Covid-19 được rao bán trên các trang mạng (Ảnh chụp màn hình)

Trước vấn đề này, chia sẻ tại tọa đàm: “Hụt hơi, khó thở hậu Covid-19: Nỗi lo nhiều người và cách khắc phục” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Nhân sâm bổ phổi của Công ty CP Dược phẩm PQA tổ chức ngày 26/4 vừa qua, Ths. Bác sĩ Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Nội khoa và chống độc (Bệnh viện E) cho biết, thời gian gần đây việc người dân mua các loại thuốc được rao bán trên mạng xã hội để chữa hậu Covid-19 đã trở nên khá phổ biến và đáng báo động.

Theo bác sĩ Phong, sau khi khỏi Covid-19, nhiều người có tâm lý mua các loại thuốc trên mạng xã hội để chữa bệnh. Điều này dẫn tới việc trên các trang mạng xã hội nhà nhà người người đi buôn thực phẩm chức năng, thuốc bổ phổi hậu Covid, thấy có “lãi” mà không biết rõ chính xác nguồn gốc và công dụng của sản phẩm đó.

Ths. Bác sĩ Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Nội khoa và chống độc (Bệnh viện E)

Do đó, để tránh “tiền mất tật mang”, bác sĩ Phong khuyến cáo người bệnh cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác.

Thứ nhất, người bệnh cần hiểu rõ Covid-19 có nguy hiểm, “ghê gớm” không và cơ thể của mình đang ở mức độ như thế nào. Để hiểu rõ điều đó, người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện để có cái nhìn khách quan nhất về tình trạng hiện tại cũng như can thiệp cần thiết nếu mắc bệnh.

Thứ hai, có rất nhiều thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe, tốt cho cơ thể, tuy nhiên khi sử dụng thực phẩm chức năng chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh, nên lựa chọn thực phẩm chức năng đã được kiểm định, được Bộ Y tế cấp phép. Bên cạnh đó phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Thứ ba, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình để chọn lựa  thực phẩm chức năng phù hợp và an toàn.

"Chúng ta có thể lựa chọn giải pháp thực tế và rẻ tiền như các sản phẩm từ nguồn gốc thiên nhiên như ăn nhiều rau, hoa quả, bổ sung vitamin thông thường,... các sản phẩm này dễ sử dụng, an toàn và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình của nhiều gia đình”, bác sĩ Phong nói.

Về vấn đề này Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám đều đưa một lô thuốc bổ như bổ phổi, bổ não, bổ thần kinh, tăng cường miễn dịch… nhưng không rõ thành phần.

Bác sĩ Tiến cho biết, nếu sau COVID-19 người bệnh có những triệu chứng mệt mỏi chỉ cần điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt hợp lý thì sẽ tự hồi phục mà không cần uống thuốc đặc biệt nào khác. 

Đồng thời, ông cũng đưa ra cảnh báo khi nhiều người bệnh đang lạm dụng thuốc, thấy bất thường là dùng thuốc mà không cần lời khuyên, tư vấn của bác sĩ. Nhiều người cứ nghe mách thuốc bổ là mua về sử dụng kiểu “thập toàn đại bổ”, vừa tốn tiền, lại tạo thói quen sức khỏe không tốt vì lệ thuộc vào thuốc quá nhiều.

“Thuốc bổ được bán tràn lan, tác dụng và cơ chế, độ an toàn chưa được đảm bảo, một số thuốc có thể gây hại như bổ phổi, bổ thần kinh không rõ thành phần.

Người bệnh cần hết sức cảnh giác với thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng xuất xứ không rõ ràng; hoặc thuốc lan truyền trên mạng không được Bộ Y tế cấp phép”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hụt hơi, khó thở hậu Covid-19: Nỗi lo nhiều người và cách khắc phục” do Gia đình Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Nhân sâm bổ phổi của Công ty CP Dược phẩm PQA tổ chức.

-->> Khi nào cần kiểm tra phổi hậu Covid-19?