Mùa đông ăn gừng tốt cho sức khỏe nhưng tránh 5 điều cầm kỵ
Gừng là loại gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn gừng và cũng cần ăn đúng cách tránh gây hại.
Mùa đông, nhiều người thường ưu tiên lựa chọn những món ăn, thức uống ấm nóng. Do đó, gừng có thể coi là nguyên liệu không thể thiếu trong bếp các gia đình khi trời trở lạnh.
Trong Đông y, gừng tươi còn có tên gọi là Sinh Khương, có vị cay, tính ấm. Có tác dụng tán hàn, long đờm, thường được sử dụng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa. Ngoài ra, gừng có tác dụng làm ấm, hồi dương, chống lạnh, chống viêm... Nhờ những công dụng tuyệt vời của nó mà có đến 70% các đơn thuốc Đông y đều có vị gừng.
Tuy nhiên, rất nhiều người thường mắc sai lầm khi sử dụng gừng trong ăn uống cũng như làm thuốc chữa bệnh.
Ảnh minh họa.
Những điều cần tránh khi ăn gừng
Không ăn quá nhiều gừng
Gừng hiếm khi gây ra các tác dụng phụ nhưng đây là loại thực phẩm có vị cay nồng, tính nóng nên nếu ăn với liều lượng lớn có thể gây ra chứng ợ nóng, tiêu chảy và kích thích miệng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể bị ợ hơi, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn và luôn cảm giác có mùi gừng trong miệng.
Không dùng khi bị trúng nắng
Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người phong hàn, cảm mạo, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa... nhưng được chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt.
Trong trường hợp đi nắng về bị say nắng, say nóng tuyệt đối không được dùng gừng. Đặc biệt, với những người có dấu hiệu sốt cao thì tuyệt đối không ăn gừng, vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh tăng cao, gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Không ăn gừng bị dập nát
Khi gừng tươi bị dập nát sẽ rất dễ tạo nên độc tố vô cùng mạnh - chất safrole. Chất này khi đi vào cơ thể với một lượng lớn dễ gây tổn hại đến chức năng gan, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản. Vì vậy, khi lựa chọn gừng tươi, nên chọn loại gừng có màu sáng, bề mặt ngoài nhẵn, không vết xước, không dập nát biến chất.
Ảnh minh họa.
Không ăn nhiều gừng mọc mầm
Gừng mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng cũng rất nguy hiểm vì khi chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan.
Khi ăn loại gừng này, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng, có thể làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan.
Hạn chế ăn gừng buổi tối
Thời điểm tốt nhất để dùng gừng là vào ban ngày. Do trong gừng chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa.
Ban ngày là lúc khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tỳ ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên, đem lại tác dụng tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho tiêu hóa. Ngược lại, dương khí trong người thu lại vào buổi tối, âm khí trong cơ thể nhiều hơn, tính nóng của củ gừng sẽ phát huy tác hại, gây ra đau bụng, khó ngủ, nóng trong.
Ảnh minh họa.
6 đối tượng không nên ăn gừng
Các chuyên gia đã khuyến cáo mọi người không nên dùng quá 4g gừng/ngày vì ăn quá nhiều có thể gây ra buồn nôn, đau bụng, ợ nóng, đầy bụng. Ngoài ra có một số nhóm người cần lưu ý không nên sử dụng gừng.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng
Gừng trước hết sẽ tác động đến niêm mạc dạ dày, nếu như niêm mạc bị kích ứng, bị ăn mòn hoặc có vết loét nếu dùng gừng sẽ làm kích thích thêm quá trình này.
Người bị bệnh gan
Với bệnh nhân bị bệnh gan (cấp tính, mãn tính, xơ gan, viêm gan) không nên dùng gừng vì nó kích thích các hoạt động bài tiết của tế bào gan và rất có hại khi các tế bào này trong trạng thái bị kích thích thậm chí có thể dẫn đến hoại tử.
Ảnh minh họa.
Người bị bệnh về máu
Gừng được cho là kích thích lưu thông máu nên không tốt cho người bị bệnh về máu. Việc tăng cường lưu thông máu có thể khiến cho tình trạng của họ tồi tệ hơn. Gừng thậm chí còn vô hiệu hóa tác dụng của các loại thuốc chữa bệnh về máu.
Người bị huyết áp cao, bệnh tim
Với người huyết áp thấp, uống trà gừng có thể giúp ổn định huyết áp. Tuy nhiên, người có huyết áp cao thì không thể dùng gừng trong bất cứ lý do gì, nhất là uống nước gừng, trà gừng vào đúng thời điểm huyết áp tăng kẻo tình trạng nặng hơn, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến.
Phụ nữ có thai
Khi mang thai không nên ăn gừng vì tính kích thích mạnh có thể gây ra hiện tượng co bóp tử cung dẫn tới hiện tượng sinh non. Phụ nữ đang mang thai ở cuối thai kỳ không nên ăn gừng.
Người uống thuốc
Khi dùng các loại thuốc trị cao huyết áp hoặc tiểu đường không nên ăn gừng bởi tác động đến phản ứng của thuốc lên cơ thể. Đặc biệt, sẽ rất nguy hiểm nếu kết hợp gừng với thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta và các loại thuốc tiểu đường.
--> Mùa lạnh uống nước ấm tốt cho sức khỏe nhưng tránh 3 điều