Mâu thuẫn gia đình, bạn bè, hai thiếu niên uống thuốc chuột tự tử
Do mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, các trường hợp này đều tìm cách tự tử và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp trẻ vị thành niên tự tử trong tuần qua.
Trường hợp đầu tiên là N.N.D., nam, 15 tuổi, trú tại Cà Mau. D. nhập viện ngày 5/4 trong tình trạng ngộ độc, nôn và mệt mỏi. Trước đó, do giận người người nhà, bệnh nhân đã uống thuốc diệt chuột Fokeba 20CP để tự sát.
Sau khi uống, bệnh nhân bắt đầu nôn nhiều lần, mệt mỏi và được đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã cấp cứu rửa dạ dày, dùng chất hạn chế hấp thu độc chất, điều trị triệu chứng và trợ sức cho bệnh nhân. Sau 24 giờ cấp cứu, tình trạng D. dần ổn định.
Ảnh minh hoạ
Trường hợp thứ 2 là L.K.S., nam, 15 tuổi, trú tại Cà Mau. Bệnh nhân nhập viện ngày 11/4 sau khi tự ý uống 20 viên thuốc cai rượu Disulfiram để tự tử do giận bạn gái.
S. than rất mệt và được gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ khoa Cấp cứu Nhi rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để thải độc và điều trị hỗ trợ. Sau 12 giờ, tình trạng của S. tạm ổn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thúy Hằng, Trưởng khoa Cấp cứu Nhi, trẻ ở độ tuổi vị thành niên có những thay đổi phức tạp về tâm sinh lý. Nhóm trẻ này dễ bị áp lực từ học đường, cuộc sống, bất mãn với gia đình, tâm tư tình cảm với người khác giới dẫn đến trầm cảm, ức chế.
Do đó, bác sĩ Hằng khuyến cáo phụ huynh nên dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm để nắm bắt kịp thời những tâm tư, tình cảm của trẻ, qua đó can thiệp, xử lý những lo âu hay thay đổi những suy nghĩ lệch lạc.
Ngoài ra, cha mẹ có thể trở thành bạn để hiểu trẻ hơn thay vì ra mệnh lệnh. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện rối loạn tâm lý hay hành vi, gia đình nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Để phòng tránh việc trẻ vị thành niên tự tử, gia đình cũng cần kiểm soát số lượng thuốc trong nhà và để xa tầm tay trẻ. Trong trường hợp không may xảy ra, người xung quanh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, đồng thời tìm ra tên thuốc, loại thuốc và liều lượng trẻ đã sử dụng để tìm hướng xử trí phù hợp.