Mang tất đi ngủ: Thói quen tốt nhưng một số người phải tránh
Vào mùa đông, nhiều người có thói quen giữ ấm khi ngủ bằng cách đeo tất chân. Tuy nhiên, một số người cần tránh thói quen này.
Giữa những năm 1980, người Nhật đã bắt đầu nghiên cứu về lợi ích của việc đi tất khi ngủ. Kết quả cho thấy thói quen đi tất đi ngủ giúp họ chìm vào giấc ngủ ngon hơn, ngủ sâu hơn.
Theo nghiên cứu của chuyên trang về giấc ngủ người Mỹ Better Sleep, những người mang tất đã ngủ lâu hơn 32 phút, chìm vào giấc ngủ nhanh hơn 7,5 phút và thức giấc ít hơn 7,5 lần so với không mang tất.
Ảnh minh họa.
Lợi ích khi mang tất đi ngủ
Đi tất giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy những thay đổi về nhiệt độ da có thể ảnh hưởng đến khả năng bắt đầu và duy trì giấc ngủ.
"Đi tất khi ngủ được chứng minh làm tăng tuần hoàn và lưu lượng máu đến bàn chân. Điều đó giúp giảm nhiệt độ nội tạng trong cơ thể, báo hiệu cho não đã đến giờ ngủ'', De Carlo, người sáng lập hiệp hội các chuyên gia tư vấn giấc ngủ chuyên nghiệp của Viện Sức khỏe và Nuôi dạy con quốc tế (Mỹ) cho hay.
Đi tất trên giường dường như liên quan đến nhịp sinh học, đồng hồ bên trong quản lý các chức năng của chúng ta 24h một ngày.
Đi tất khi ngủ giúp giữ đôi chân ấm áp
Chứng chân tay lạnh thường gặp ở những người bị bệnh tim hoặc thiếu máu… Ngoài ra, phụ nữ trong ngày kinh nguyệt, trẻ em, người căng thẳng cũng dễ mắc triệu chứng này.
Những ngày đông lạnh giá, để chân lạnh thường xuyên khiến cơ thể khó vận động vào mỗi sáng, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về khớp. Việc đi tất khi ngủ giúp đôi chân được giữ ấm, đảm bảo quá trình lưu thông máu trong cơ thể khi bạn ngủ.
Ảnh minh họa.
Ngăn ngừa nứt chân
Nhiều người có gót chân bị khô nứt. Nguyên nhân chủ yếu là do không chăm sóc chân đúng cách, thiếu dưỡng chất, điều kiện làm việc có hại cho chân…
Đi tất ngủ là một cách hiệu quả giúp ngăn ngừa nứt chân. Một đôi tất phù hợp giúp cải thiện lưu thông máu đến chân, từ đó giúp chân mềm mại, giảm tình trạng nứt nẻ.
Lợi ích phòng the
Đi tất khi ngủ làm tăng khả năng đạt cực khoái khi quan hệ tình dục lên đến 30%, theo nghiên cứu của đại học Groningen (Hà Lan) với 13 cặp vợ chồng.
Cực khoái là kết quả của việc tăng lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục. Đi tất khi ngủ góp phần giúp lưu thông máu tốt hơn.
Những điều cần tránh khi mang tất đi ngủ
Mặc dù đi tất khi ngủ mang lại nhiều lợi ích nhưng cần lưu ý rằng tất không phải là thuốc chữa bệnh. Do đó, khi mang tất đi ngủ cần chú ý tránh những điều sau đây.
Không tốt với người bị nấm da chân
Một số người nghĩ rằng, đi tất khi ngủ có thể ngăn ngừa nấm ở chân lây nhiễm vào chăn bông.
Trên thực tế, điều này là không đúng, vì đi tất trong thời gian dài có thể khiến một số lượng lớn nấm sinh sôi trên bàn chân, trường hợp nặng có thể gây ngứa và nổi mụn nước.
Ảnh minh họa.
Không nên mang tất quá chật
Những người đi tất khi ngủ cần chú ý nếu tất quá chật có thể gây tắc mạch máu, gây bị chèn ép quá mức, máu không thể lưu thông thuận lợi. Tình trạng thiếu máu cục bộ lâu ngày sẽ khiến nhiệt độ bàn chân giảm dần và giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Để tránh điều này xảy ra, mọi người nên chọn những đôi tất rộng rãi và thoáng khí, để tuần hoàn máu và nhiệt độ ở bàn chân được bình thường, chất lượng giấc ngủ được cải thiện.
Người có chân đổ mồ hôi không nên mang tất đi ngủ
Có người ra mồ hôi chân, đi giày, dép cũng dễ tiết ra nhiều mồ hôi, kể cả khi đi dép lê. Một số người cho rằng, đi tất có thể thấm mồ hôi nên cũng đi tất khi ngủ. Điều này là không đúng, vì đi tất khi ngủ có thể khiến nhiệt độ bàn chân tăng quá cao, khiến chân ra nhiều mồ hôi ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Do đó, nếu không gặp các vấn đề liên quan đến nhiệt độ cơ thể, thì không đi tất khi ngủ giúp con người cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, việc không đi tất khi đi ngủ giúp tránh "vệ sinh kém, nhiễm trùng da và mùi khó chịu" nếu những đôi tất không sạch hoặc thậm chí bị nhiễm nấm.
Cách giữ chân ấm khi không đi tất
Để chân luôn ấm áp khi ngủ mà không cần đi tất, mọi người có thể ngâm chân vào nước ấm trước khi đi ngủ để thúc đẩy lưu thông khí huyết, làm ấm chân và còn giúp thư giãn cơ thể, giảm mệt mỏi, stress hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, thời tiết lạnh những chiếc chăn, đệm mỏng manh sẽ không đủ khả năng giữ ấm thay vào đó là sử dụng các chăn đệm dày, phủ lên cả cơ thể để thân mình ấm áp, dễ ngủ. Các gia đình cũng có thể sử dụng các thiết bị làm ấm như máy sưởi, quạt sưởi, túi sưởi nhưng cần cẩn trọng khi sử dụng, đặc biệt, không lạm dụng để tránh gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, khi ngủ nên chú ý đóng cửa chính, cửa sổ, tránh gió lùa vào phòng, giữ cho phòng luôn ấm áp nhưng vẫn đảm bảo phòng thông thoáng, không bí bức sẽ cho cơ thể đủ ấm, hít thở thoải mái và ngủ ngon hơn.