Liệu có thể giải thích giác quan thứ 6 bằng khoa học?
Người ta có thể cảm nhận được những điều mà họ tin rằng mình không thể nhìn thấy. Hiện tượng này có thể được lý giải bởi quá trình xử lý hình ảnh của não bộ.
Một nghiên cứu mới đăng trên tờ PLOS ONE ngày 13/01 cho thấy ít nhất một loại giác quan thứ 6 là không có thật. Đó có thể đơn giản chỉ bởi vì cơ chế nhìn của con người có thể phát hiện những thay đổi mà họ không thể nói rõ.
Nhà khoa học Piers Howe, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Melbourne, Úc cho biết: "Người ta có thể cảm nhận được những điều mà họ tin rằng mình không thể nhìn thấy. Nhưng đây không phải là điều gì kỳ diệu hay giác quan thứ sáu mà có thể được lý giải bởi quá trình xử lý hình ảnh của con người."
Giác quan thứ sáu?
Một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy gần 1/3 dân số nước này tin vào nhận thức ngoại cảm, và hơn 2/3 cho biết đã từng trải nghiệm hiện tượng huyền bí.
Có một số nghiên cứu khoa học chỉ ra con người có thể đoán biết tương lai trước khi nó xảy ra, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau đó đã cho thấy kết quả này có được là do ngụy tạo số liệu hay đề cương nghiên cứu bị lỗi.
Có hay không giác quan thứ sáu? |
Trả lời LiveScience, Howe cho biết ông bắt đầu quan tâm tới giác quan thứ sáu khi một sinh viên tuyên bố với ông rằng cô có khả năng ngoại cảm bán ma thuật. Cô nói mình có thể cảm nhận được điều mà cô không nhìn thấy, ví dụ như phát hiện ra bạn mình gần đây gặp tai nạn.
Là người hoài nghi, Howe và nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Melbourne - Margaret Webb đã quyết định làm thử nghiệm.
Quá trình xử lý hình ảnh thông thường
Webb đã nhờ bạn bè chụp những cặp hình khá giống nhau, chỉ có khác biệt nho nhỏ về diện mạo. Ví dụ, một tấm đeo kính hoặc thoa son còn tấm kia thì không.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cho 48 sinh viên xem bức hình đầu tiên trong 1,5 giây, nghỉ 1 giây rồi xem tiếp bức hình tiếp theo trong cặp. Các sinh viên phải cho biết giữa các bức hình có bất kỳ thay đổi nào không, và nếu có thì khác biệt đó là gì – lựa chọn từ một danh sách các khả năng thay đổi.
Các sinh viên tham gia nghiên cứu thường phát hiện chính xác là có sự thay đổi giữa các bức ảnh. Tuy nhiên, họ không thể xác định thay đổi đó là gì, ngay cả với khác biệt lớn như đội thêm một chiếc mũ Mexico rộng vành hay thay đổi kiểu tóc.
Howe nghi ngờ rằng trong quá trình xử lý hình ảnh để nhận biết các cảnh sắc khác nhau như bóng tối, màu sắc, tương phản, não bộ con người có nhận ra thay đổi – tuy nhiên, nó không thể giúp người ta diễn đạt những thay đổi đó thành lời.
Trong thí nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu cho sinh viên xem một dãy đĩa màu đỏ và màu xanh lá cây xếp cạnh nhau, rồi lại cho xem dãy đĩa đó với một số đĩa đổi màu ngẫu nhiên từ màu này sang màu khác. Một lần nữa, nhiều người phát hiện ra có sự thay đổi nhưng họ không thể xác định đó là gì.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu thay đổi đĩa xanh và đỏ với nhau mà không làm thay đổi tổng số đĩa, “giác quan thứ sáu” này biến mất.
Những người cuồng tín
Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng hiện tượng con người có thể dùng trực giác nhận ra những điều mà họ không thể phát hiện bằng các giác quan thông thường xuất phát từ nhận thức về sự khác biệt trong quá trình xử lý hình ảnh, không phải là một giác quan vận hành bên ngoài các quy luật thông thường của vật lý. Ví dụ, trong trường hợp sinh viên của Howe: cô có thể đã nhận thấy ngoại hình bạn mình có những thay đổi rất nhỏ (có vết thương hoặc băng bó), nhưng lại không tự nhận thức được rằng mình phát hiện ra điều đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa thể thuyết phục những người tin vào thế giới siêu nhiên.
Howe cho hay: “Dù cho tôi có đưa ra bằng chứng này, những người cảm thấy mình có giác quan thứ sáu vẫn tiếp tục tin vào nó. Chỉ là, cảm giác rằng mình có khả năng ngoại cảm thật thú vị. Và khi chứng minh được là ta có khả năng đó thật, sẽ chẳng còn gì kỳ bí nữa.”
Lam Lan (theo LiveScience)