Làm gì để huyện Bắc Yên (Sơn La) thoát nghèo?
Bắc Yên, huyện miền núi của tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, văn hóa các dân tộc hấp dẫn, khác biệt, nhiều di tích, danh thắng nổi bật. Tuy nhiên để du lịch Bắc Yên phát triển, còn nhiều việc phải làm, trong đó có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng.
Tiềm năng phát triển du lịch lớn
Bắc Yên có Quốc lộ 37 và sông Đà chạy qua tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình. Đây là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch.
Đường lên Bắc Yên, Sơn La
Các xã vùng cao Bắc Yên có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15 - 20oC, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường có mây mù tạo nên những biển mây tuyệt đẹp bồng bềnh giữa núi rừng.
Bắc Yên có các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao... các dân tộc có nền văn hóa truyền thống từ lâu đời, đặc sắc và phong phú, con người chất phát, thật thà, hiền hòa và mến khách. Nhiều bản làng dân tộc có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ), bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với du lịch săn mây Tà Xùa); bản Ngậm, xã Song Pe (du lịch cộng đồng dân tộc Mường gắn với du lịch đường thủy trên sông Đà)...
Bắc Yên có các di tích lịch sử - văn hóa và danh làm thắng cảnh được xếp hạng như Bãi đá khắc cổ Khe Hổ - Hang Chú (di tích cấp quốc gia), Hang A Phủ thuộc Khu căn cứ kháng chiến 99 (di tích cấp tỉnh).Địa hình huyện Bắc Yên có nhiều núi cao, khe sâu, độ dốc lớn; có thảm thực vật hết sức phong phú, nhiều rừng già, đồi núi, có nhiều loài thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm. Những năm gần đây, các loại hình du lịch trên những cung đường vùng cao Bắc Yên như “săn mây Tà Xùa”, du lịch mạo hiểm “Sống lưng khủng long”, hay chiêm ngưỡng những nương chè cổ thụ ở Xùa đang thu hút du khách.
Trao đổi với phóng viên Báo GĐVN, ông Lê Văn Kỳ Chủ tịch UBND Huyện Bắc Yên cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch Bắc Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn huyện Bắc Yên đã ban hành nhiều chương trình hành động, đề án về phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Lê Văn Kỳ Chủ tịch UBND Huyện Bắc Yên trao đổi với phóng viên Báo GĐVN về tiềm năng phát triển ở huyện Bắc Yên, Sơn La
Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm: du lịch “Phượt”, Du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc; sinh thái; hang động; thể thao mạo hiểm, khám phá... đồng thời phát triển các dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ tốt, có chất lượng, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.Đến Bắc Yên, du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống như lợn bản, cá chua, rau cải mèo, nộm da (trâu, bò dê), da muối chua, cá gỏi, rượu Hang Chú, chè Tà Xùa, quả Sơn Tra, măng ớt Háng Đồng…, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, đan Lu cở, làm khèn (dân tộc Mông), đan lát gùi, ép khảu (dân tộc Thái)...; hòa mình vào các lễ hội truyền thống như lễ cúng dòng họ dân tộc Mông; Lễ hội Cầu mùa, Lẽ hội Mợi, Xên Mường, Xên Bản... chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, ném pao, kéo co, đẩy gậy, tulu... Du khách sẽ đắm say trong tiếng khèn, điệu hát dân ca, múa dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây. Trải nghiệm các hoạt động: giã bánh dày, sao chè, thêu váy, đua ngựa, hái quả Sơn tra.
Khai thác thế mạnh của cây trà cổ thụ Shan tuyết
Công ty Shanam là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư chế biến và phát triển thương hiệu cho chè shan tuyết cổ thụ Việt Nam. Từ năm 2017, tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La), Công ty TNHH Trà và Đặc Sản Tây Bắc ( Shanam) đã được UBND huyện Bắc Yên trao quyết định được sử dụng và phát triển Nhãn hiệu Chè Tà Xùa.
Nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại lợi ích về kinh tế và gắn bó lâu đời với người dân Tà Xùa, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm xây dựng “Dự án phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết tà Xùa” để giúp bà con có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Công ty Shanam đã tổ chức thu mua, hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách thu hái đúng tiêu chuẩn, nâng cao được giá trị khai thác trên cùng diện tích cây chè cũ, đảm bảo bao tiêu thu mua sản phẩm với giá cao từ 40 ngàn đến 60 ngàn đồng trên 1kg búp chè tươi, cao gấp 2 lần so với giá chè trước đây.
Cũng tại Tà Xùa, Công ty đã đầu tư dây truyền chế biến chè đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân H’Mông bản địa. Nhờ vậy sản phẩm trà Shan do Công ty sản xuất luôn giữ được hương vị tự nhiên rất đặc trưng của sản phẩm Chè Shan tuyết Tà Xùa, chất lượng ổn định, đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bánh trà Shan tuyết cổ thụ Shanam
Trà bánh Shanam được hái từ những cây trà cổ thụ hàng trăm năm ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Hiện, huyện Bắc Yên đang tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, khai thác các tiềm năng sẵn có của địa phương để phục vụ du khách, phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân du lịch Bắc Yên sẽ là điểm đến “Hấp dẫn - Thân thiện - Khác biệt - An toàn”.
Trà Shanam của Việt Nam đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế
Tà Xùa điểm đến hấp dẫn
Tà Xùa, một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, trước kia nổi tiếng với chè shan tuyết cổ thụ và quả sơn tra, nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với các bản trẻ yêu du lịch với đam mê chinh phục “sống lưng khủng long” - con đường mòn rộng chừng 1m, độ dốc cao, đầy sỏi đá.
Từ Hà Nội, đi theo hướng quốc lộ 32 đi Nhổn lên thị xã Sơn Tây, đi qua cầu Trung Hà rồi đi Thanh Sơn, Thu Cúc. Đến ngã ba Thu Cúc bạn đi Phù Yên rồi đến thị trấn Bắc Yên, quãng đường dài chừng 200 km, sau đó phải đi tiếp quãng đường 15 km nữa để lên được xã Tà Xùa, đây là quãng đường đi vất vả nhất do địa hình khá dốc và đường đất đá.
Chinh phục xương sống khủng Long, thiên đường mây ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La
Ở độ cao khoảng 2.800 m, dãy núi Tà Xùa hay còn gọi là Phu Sa Phìn hiện ra như một con khủng long đang nằm. Đây là điểm dừng chân mà ai cũng muốn ở lại thật lâu để ngắm nhìn từng chuyển động của những vạt mây trôi, chờ đợi khoảng khắc mây “sóng sánh” ngay dưới chân mình khi nắng lên.
Nhiều du khách đã trở lại Tà Xùa sau dịch covid 19
Từ trung tâm xã Tà Xùa để đi ra “sống lưng khủng long” khoảng 10 km. Nếu các bạn muốn săn mây và ngắm bình minh phải dạy từ 4 - 5 giờ sáng, lên đến nơi tầm 6 giờ, thời điểm đó vắng người, bạn sẽ ngắm được trọn vẹn khung cảnh từ đỉnh núi. Khí hậu vùng núi ban ngày mát mẻ, lạnh về đêm, nhiệt độ có thể xuống 17 độ C.
Thời điểm lý tưởng nhất để săn mây ở Tà Xùa là vào mùa đông và mùa xuân, từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Vào thời điểm này, xác suất săn mây thành công rất cao. Và đặc biệt mây mùa này rất đẹp, lâu bốc và có những khoảnh khắc ảo diệu, ấn tượng. Đặc biệt, thời tiết phải là mới mưa phùn, nền nhiệt độ thấp ban đêm và cao ban ngày. Ban ngày cần có nắng thì mây sẽ đẹp hơn.
3500 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn 2020-2025
Ông Lưu Minh Quân, Bí Thư Đảng Bộ Huyện Bắc Yên cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với sự hưởng ứng, tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân. Trong 5 năm gần đây, đã huy động được 500 tỷ đồng, để đầu tư, xây dựng được các công trình, hỗ trợ sản xuất và thực hiện các tiêu chí về giáo dục, văn hóa, môi trường, làm đường giao thông nông thôn.
Năm 2015, toàn huyện chỉ có 3 xã đạt 5-9 tiêu chí, 12 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân đạt 2,93 tiêu chí/xã; đến năm 2020, có 02 xã Mường Khoa và Phiêng Ban được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt 15 tiêu chí; 12 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; bình quân đạt 13,1 tiêu chí/ xã, tăng 10,17 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Mùa thu hoạch Táo mèo ở huyện Bắc Yên, Sơn La
Chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững được huyện triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; trong 5 năm đã huy động, bố trí được 330 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 313 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn huyện còn 19,52%, giảm được 20,19% so với cuối năm 2015.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện tập trung triển khai thực hiện các biện pháp về phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, tuyên truyền, quảng bá và thu hút đầu tư để phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch trên địa bàn, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội, đúng thuần phong mỹ tục, phát huy được những giá trị văn hóa vốn có. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ, du lịch của huyện huyện đã có những bước phát triển mạnh, lượng du khách tăng cao so với giai đoạn trước, tạo ra nhiều việc làm mới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện .
Tại Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, Bắc Yên đã đặt mục tiêu: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 đạt trên 3.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm đạt trên 680 tỷ đồng. Tổng sản lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu giai đoạn 2020-2025 đạt trên 580 tấn; giá trị tăng bình quân 5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 8,1%. Đón trên 300.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch nhiệm kỳ đạt trên 200 tỷ đồng.Tuy nhiên, Bắc Yên hiện vẫn là huyện nghèo, xuất phát điểm của kinh tế thấp, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng còn hạn chế so với nhu cầu phát triển; đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Cây chè shan tuyết- Tà Xùa sống trong môi trường quanh năm mây mù và sương giá bao phủ. Chè shan tuyết là sản vật quý báu của bà con dân tộc Mông và được bà con yêu mến gọi là "vàng xanh."
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết các dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phấn đấu đưa huyện Bắc Yên thoát nghèo”.Trong đó tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Để thực hiện toàn diện các nhiệm, giải pháp nêu trên, trong nhiệm kỳ tới tập trung lãnh đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét 4 khâu đột phát và 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển du lịch theo hướng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ông Lê Văn Kỳ Chủ tịch UBND Huyện Bắc Yên chia sẻ.