Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Năm 2022, kinh tế của thành phố Hà Nội đã có bước phục hồi mạnh mẽ. GRDP quý II, III tăng cao hơn quý trước đó.
Chiều 16/12, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022. Ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, người phát ngôn UBND thành phố chủ trì buổi họp báo.
Ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội chủ trì buổi họp báo
Những con số ấn tượng
Báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, kinh tế của thành phố đã có bước phục hồi mạnh mẽ.
GRDP quý II, III tăng cao hơn quý trước đó, cụ thể: Quý I tăng 5,91%; Quý II tăng 8,22%; Quý III tăng 15,30%; Quý IV tăng 6,76%. Năm 2022, GRDP dự kiến tăng 8,89%, trong đó: Dịch vụ tăng 10,06%, Công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,76%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Hà Nội cũng phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giam 6,3%); Ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh. Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; ước năm 2022 IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò và gia cầm đều tăng.
"Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi phát triển. Ước năm 2022, vốn đầu ta phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1.540,4 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%).
Trong 11 tháng đầu năm 2022, có 27.601doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước)", ông Tuấn cho biết.
Ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi họp báo
Nhiều quy hoạch quan trọng được phục duyệt
Ông Tuấn cũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/TTg ngày 15/3/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt 04 đồ án quy hoạch quan trọng gồm: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 02 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đã phê duyệt danh mục kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ, mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được rà soát, xử lý dứt điểm.
Năm 2023, thành phố Hà Nội chủ trương giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn. Bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách; Phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường; phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục phát triển đồng bộ, bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch với việc củng cố, cải tạo để nâng cao năng lực nội tại, đồng thời xây dựng thêm các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo kế hoạch; Phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt; Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 10% trở lên.
Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Về cơ cấu lại ngành công nghiệp, theo ông Tuấn, thành phố sẽ phát triển công nghiệp theo Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.
"Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Củng cố, nâng cao năng lực, năng suất nội tại của các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; Kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập", ông Tuấn cho biết thêm.