Kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng từ nghề săn rắn độc
Nghề săn rắn độc dù nguy hiểm nhưng thu nhập khá cao, trung bình mỗi tháng giúp anh Phúc ở Vĩnh Long kiếm được khoảng 30 triệu đồng.
Không có việc làm anh phải chấp nhận thử thách quyết sống mái với nghề săn rắn độc, tính đến nay cũng đã ngót nghét 15 năm. Theo lời anh kể, làm nghề này dù nguy hiểm nhưng thu nhập khá cao, trung bình mỗi tháng kiếm được khoảng 30 triệu đồng.
Đối mặt với “tử thần”
Trong một dịp tình cờ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Minh Phúc (43 tuổi, ngụ xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) khi anh đang bẫy rắn tại một khu vườn lân cận. Nhắc đến anh, ai ai trong vùng này cũng biết, bởi anh chính là một trong số ít những người làm nghề bẫy rắn có tiếng ở địa phương này.
Trái với suy nghĩ của chúng tôi, người thợ bắt rắn này không hề có thân hình cao to, vạm vỡ; nước da anh ngâm đen, đôi tay chai sần với nhiều vết sẹo trong những lần bị rắn cắn. Anh cho biết, đã chấp nhận làm cái nghề này thì ít nhiều cũng phải bị “xớt”, nguy hiểm rình rập hàng ngày nhưng được cái nghề bắt rắn có thu nhập khá cao nên anh vẫn bám lấy nghề, bất chấp nhiều lần phải đối diện với “Thần Chết”.
Ảnh minh họa
Kể về “cơ duyên” đến với nghề săn rắn, anh Phúc nói: “Lúc trước, mới nhìn thấy rắn thôi là đã chạy cuống cuồng, làm gì nghĩ đến chuyện sẽ đi bẫy rắn. Trong một dịp tình cờ, tôi nghe một thợ săn rắn kể về việc bắt rắn và nguồn thu “khủng” từ công việc này nên cũng thấy thích thích. Tôi bèn đi theo họ để xem họ bắt rắn ra sao rồi sau đó đến với nghề này, tính đến này cũng đã gần 15 năm”.
Mấy năm trước, Vĩnh Long và các tỉnh lân cận rừng rậm khá nhiều, rắn độc thường chọn những địa hình như vậy để sinh sôi, nảy nở. Hơn nữa, nghề bắt rắn đâu phải ai cũng làm được, cần phải có sức khỏe tốt, nhanh nhạy và can đảm.
“Ở địa phương này, thợ bắt rắn như tôi chỉ tính trên đầu ngón tay, có người trông thấy rắn thôi đã hết hồn, có người thì chỉ bắt rắn được vài năm rồi bỏ tìm nghề khác an nhàn hơn”, anh Phúc cho biết.
Theo lời anh Phúc, rắn bán được giá cao là những loài có nọc độc mạnh, khả năng sát thương cao gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được chạy chữa kịp lúc. Các loại rắn có độc tính cực mạnh phải kể đến rắn hổ đất, hổ mang hay rắn mái gầm. Đặc biệt, rắn đang ấp trứng hoặc giữ con thì lại càng nguy hiểm, rắn sẵn sàng tấn công nếu thấy có người đến gần.
Vì vậy, muốn thu phục chúng là điều không dễ đòi hỏi người thợ bắn rắn phải có tay nghề cao, khi tiếp cận đến chúng đòi hỏi phải chính xác từng cen-ti-met. Nghề bắt rắn diễn ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa khô, lúc đó rắn thường bò ra ngoài phơi nắng nên dễ dàng mắc bẫy.
Thông thường thợ bắt rắn sẽ có 2 cách để “thu phục” rắn độc là dùng cần câu để cắm và dùng rọ sắt có mồi nhử để dụ rắn chui vào rọ. Rắn hổ lột da thường chậm chạp nên thả câu nơi đúng hướng gió để rắn dễ phát hiện thức ăn và bò đến ăn mồi.
Bí quyết để cho rắn dính bẫy là biết cách đặt cần câu cũng như rọ sắt. Thông thường, các thợ săn chọn những đường mà rắn thường hay lui tới hoặc những khu rậm rạp nơi rắn có thể sống và sinh sản. Rất nhiều người tập tành bẫy rắn nhưng họ cứ gài mãi mà không dính con rắn nào.
Anh Phúc chia sẻ: “Mồi nhử rắn là chuột đồng và thuốc Bắc, tuy nhiên trong quá trình làm mồi cần phải biết pha trộn để thu hút rắn độc. Ở trong rọ sắt tốt nhất nên để ít thức ăn cho chuột để chuột có thể ăn khi đói nhằm kéo dài thời gian sống của chuột để bẫy con mồi. Tuy nhiên, loại thuốc này có khả năng thu hút rắn độc rất mạnh, khi bắt được rắn rồi cần phải vệ sinh khu vực ấy sạch sẽ tránh bị các loài rắn khác đánh hơi tìm đến”.
Cũng theo lời người thợ săn rắn này, rắn hổ đất nguy hiểm nhất là cặp rắn “vợ chồng”. Khi rắn cái dính bẫy tức thì rắn đực sẽ trú ngụ ở gần đó, đợi thợ săn đến thăm bẫy là rắn sẽ tấn công hòng trả thù người đã bắt “vợ”. Vì vậy, chúng sẽ dùng hết mảng miếng của mình để tiêu diệt kẻ thù.
Rất nhiều thợ bẫy rắn đã mất mạng vì không ngờ rằng còn một con rắn nữa đang ẩn náu để chờ thời cơ tung ra những ngón đòn nguy hiểm. Ngoài ra, nếu là rắn hổ ngựa thì chúng sẽ không nấp trong bóng tối mà thường nằm ở ngoài sáng chờ nắng lên để “tắm”. Lúc này, các thợ bẫy rắn loay hoay ở bên ngoài để chọn hướng đặt rọ sắt sẽ chủ quan và rắn sẽ trực tiếp tấn công người ngoài ánh sáng.
“Làm nghề này, ít nhiều gì cũng bị rắn tấn công, ít thì bị thương nhẹ, nhiều thì phải chạy đi cấp cứu thậm chí phải bỏ mạng vì chất kịch độc ngấm vào người. Đã chấp nhận làm nghề này phải có lọ thuốc Bắc thủ sẵn, phòng khi gặp tai nạn thì bôi thuốc ấy vào chỗ cắn để ngăn chặn độc tố bộc phát. Sau đó về nhà tìm thêm các loại thuốc gia truyền khác để giải hết chất độc cứu sống bản thân.
Một điều tối quan trọng là khi bắt rắn cho vào bao phải thoa thuốc trước để rắn sợ mà không “tung chiêu”, anh Phúc chia sẻ bí quyết. Qua tìm hiểu ở địa phương, các thầy thuốc rắn trong vùng rất ít, vì vậy cần phải biết chế ngự chất độc trước, sau đó mới tính chuyện giải hết chất độc ra ngoài.
Nguồn lợi “khủng”
Ở vùng quê này, thu nhập chính của người nông dân phụ thuộc vào nghề trồng cây ăn trái. Những khi mùa vụ đi qua họ lại đi làm thuê, làm mướn quanh vùng để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, nghề bẫy rắn mà anh Phúc đang theo đuổi có thu nhập khá ổn định, có thể nói là thu nhập cao ngất ngưởng so với các nghề khác trong vùng.
Anh Phúc cho biết: “Mỗi một loại rắn có giá khác nhau, trung bình rắn hổ đất có giá tầm 1 triệu đồng/kg. Bắt được con rắn hổ đất hơn 2kg cũng có trên 2 triệu đồng rồi. Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được trên 30 triệu đồng từ nghề bắt rắn. Có khi “trúng mùa”, có tháng lên đến 50 triệu đồng”.
Đối với nghề bẫy rắn, các thợ săn thường phải chạy đồng liên tục chứ không nằm cố định ở một nơi. “Giờ tôi đang bắt rắn ở đây chứ ngày mai là phải chạy đồng ở bên Măng Thít, Tam Bình, bẫy rắn xong bỏ đó, khi nào dính rắn người ta gọi đến gỡ rắn rồi mang đi bán lấy tiền.
Nghề này dù nguy hiểm nhưng được cái giúp ích được cho bà con, có khi bắt rắn xong mọi người còn mang ơn và hậu tạ, bản thân thấy cũng được an ủi phần nào” anh Phúc nói. Cũng theo lời anh kể, trước đây kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn, anh phải làm thuê, làm mướn để nuôi sống gia đình. Thế nhưng từ ngày theo đuổi được nghề này, cuộc sống của anh có phần đỡ vất vả hơn, ít nhất cũng nuôi sống gia đình và cho con ăn học.
Nói về nguồn lợi “khủng” từ nghề bẫy rắn, anh Phúc lộ vẻ băn khăn: “Làm nghề này cái gan phải lớn, mạnh mẽ quyết đoán khi đối mặt với rắn độc. Theo tôi nghĩ, hãy để cho nghề chọn mình đừng vì thu nhập lớn của nó mà theo đuổi”.
Hiện tại, anh cũng có một vài “học trò” theo anh và nhờ anh tryền nghề bẫy rắn để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mặc dù vậy, cho tới nay cũng chưa ai theo được cái nghiệp “vào sinh ra tử” mà anh đang theo đuổi.
“Một số người chỉ theo tôi được một vài chuyến rồi lặng lẽ bỏ đi vì sợ rắn độc tấn công sẽ nguy hại đến tính mạng của mình. Tôi nghĩ mình sẽ đi bẫy rắn vài năm nữa thôi, khi về già cũng không thể làm nghề được nữa. Nghề này phải có sức khoẻ tốt, mắt phải sáng, phản ứng phải nhanh để đối mặt với những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, anh Phúc thở dài.
Nghề bạc bẽo Theo lời anh Phúc, chuyện bị rắn cắn là chuyện như cơm bữa đối với các thợ bẫy rắn kiếm sống như anh. Thế nhưng, tìm được một ông thầy chữa trị rắn cắn không phải là chuyện dễ dàng. Vì theo quan niệm, nếu chữa cho người khác thì có ngày bản thân người thầy rắn cũng sẽ bỏ mạng vì chất kịch độc của rắn. Vì vậy, người thợ bẫy rắn ít nhiều cũng phải biết cách khắc chế chất kịch độc phát ra khi chẳng may bị rắn cắn trúng. Dù đây là nghề nguy hiểm nhưng vì thu nhập quá “khủng” nên không ít người chấp nhận dấn thân và có khi phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. |
|
Khánh An