Gội đầu hay tắm trước, 90% người làm sai nhưng không hay biết
Nhiều người có thói quen gội đầu trước khi tắm trong khi có những người lại tắm trước khi gội. Thực tế nên tắm hay gội trước để không hại sức khỏe?
Việc gội đầu ảnh hưởng đến bộ não, trung tâm của hệ thần kinh, còn việc tắm toàn thân tác động không nhỏ đến gan, tim, phổi, xương khớp... Do đó, nên tắm trước hay gội đầu trước để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là điều mọi người đều cần quan tâm.
Rửa mặt trước khi tắm
Theo bác sĩ Tương Văn Trung, Bệnh viện Nhân dân thứ ba Hàng Châu (Trung Quốc), tốt hơn hết nên rửa mặt trước, tắm xong rồi gội đầu.
Ảnh minh họa.
Khi tắm, cơ thể con người tiếp xúc với nước ấm và tăng nhiệt. Khi đó, lỗ chân lông trên cơ thể, trên mặt sẽ mở rộng. Nếu không rửa mặt trước, các chất bụi bẩn ở trên mặt sẽ có điều kiện để xâm nhập sâu vào lỗ chân lông. Theo thời gian, lỗ chân lông sẽ bị bít tắc bởi những bụi bẩn, từ đó sẽ khiến mụn không ngừng tăng lên.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị mọi người rửa mặt bằng nước ấm. Rửa bằng nước lạnh thì lỗ chân lông sẽ se khít lại, những bụi bẩn trong lỗ chân lông sẽ khó được làm sạch. Còn nếu nước quá nóng sẽ làm tăng lượng dầu trên da và dẫn đến lão hóa da nhanh.
Tắm trước khi gội đầu
Việc tắm gội đúng cách có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, ngăn ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và chống lão hóa.
Trong khi đó, phương pháp tắm sai thực sự có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa đông khi chênh lệch nhiệt độ phòng tắm với bên ngoài khá lớn. Do mạch máu của con người rất mỏng và yếu, đột ngột tiếp xúc với nước nóng sẽ gây phình đột ngột, có thể dẫn đến trường hợp bị vỡ. Mùa đông, đầu tiếp xúc ngay với nước nóng sẽ khiến máu nhanh chóng dồn lên phần đầu.
Ảnh minh họa.
Gội đầu ngay lập tức có thể dẫn đến máu lưu thông kém. Về lâu về dài, nó có thể gây ra các bệnh về mạch máu não hoặc thậm chí xuất huyết não. Do đó, nên tắm rửa trước để phần đầu tiếp xúc dần với nhiệt độ ấm, cao; tránh cho não bộ chúng ta bị “sốc”.
Vì vậy, nên nhớ hãy gội đầu sau cùng dù việc này có thể gây ra bất tiện do gội đầu sau khi đã tắm sạch cơ thể và rửa mặt sẽ khiến nước lại chảy lên cơ thể.
Khi vệ sinh cơ thể, nên bắt đầu từ chân tay, đợi cơ thể thích ứng rồi mới tắm vòi sen và cuối cùng là gội đầu để tránh thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong não.
Khi gội đầu nên làm ướt tóc hoàn toàn bằng nước rồi mới bôi dầu gội, massage một lúc rồi xả sạch với nước, sau đó thoa đều dầu xả, massage nhẹ nhàng trong 3 - 5 phút và gội sạch.
Những thời điểm không phù hợp cho việc tắm gội
- Lúc đói bụng: Tắm gội khi đói bụng dễ gây hoa mắt, chóng mặt do tụt đường huyết.
- Khi vừa ăn no: Nếu tắm lúc này, nguy cơ bị chướng bụng hoặc đau dạ dày sẽ tăng cao. Do đó, chúng ta nên tắm sau khi ăn 1-2 giờ.
- Khi cơ thể đang ra nhiều mồ hôi. Đây là thời điểm bạn dễ bị nhiễm phong hàn nếu tắm. Nên chờ ít nhất 30 phút để cơ thể ráo mồ hôi và hạ nhiệt mới nên tắm.
Ảnh minh họa.
- Khi đang say bia rượu: Tắm khi đang trong trạng thái say bia, rượu sẽ làm nặng thêm tình trạng choáng váng, có thể dẫn đến đột quỵ.
- Khi tỉnh dậy vào sáng sớm: Sáng sớm là thời điểm các chức năng cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, nên chờ ít nhất 30 phút sau khi thức dậy mới đi tắm gội.
- Sau 22h: Việc tắm quá khuya ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, có thể dẫn đến đột tử. Tốt nhất nên tắm gội trước 20h và làm khô tóc hoàn toàn trước khi đi ngủ.
- Khi cơ thể đang ốm, sốt cao: Chỉ nên lau sạch cơ thể bằng khăn nhúng nước ấm, đối với tóc thì có thể sử dụng dầu gội khô để "cứu cánh".