Thứ tư, 15/05/2024 02:06
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 22/03/2023 08:57

Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp Thanh Hóa

Từ lãi suất ngân hàng, thẩm duyệt PCCC đến giá vật liệu xây dựng, đụng đến đâu vướng mắc đến đó. Các doanh nghiệp Thanh Hóa đang tập hợp kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh tại một hội nghị quy mô 300 đại biểu doanh nhân diễn ra vào 31/3 tới đây.

IMG-3206

Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của Hiệp hội DN Thanh Hóa được xem là phiên "trù bị" cho Hội nghị chủ tịch UBDN tỉnh gặp DN vào 31/3

Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng do Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa tổ chức sáng 21/3, diễn ra trước Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp doanh nghiệp 10 ngày. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết, đây được xem là phiên “trù bị” cho sự kiện chủ tịch tỉnh gặp doanh nghiệp sắp tới.

“Chúng tôi đề nghị đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị phát biểu, nêu ý kiến thẳng thắn, nêu trọng tâm các vấn đề đang khó khăn vướng mắc. Hiệp hội sẽ tổng hợp thành các nhóm vấn đề theo các lĩnh vực, ngành hàng để kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp cao hơn”, ông Đoan chia sẻ.

IMG-3200

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa đề nghị đại diện các doanh nghiệp nói thẳng, nói thật những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

“Nóng” chuyện phòng cháy chữa cháy

Ông Trần Quốc Trường, Phó chủ tịch Chi hội doanh nghiệp KCN Tây Bắc Ga – TP Thanh Hóa cho hay, sau 2 năm đại dịch, doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh thì gặp phải những quy định mới về PCCC. Từ cuối năm 2022 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp tại khu CN Tây Bắc Ga không đảm bảo các quy định mới về PCCC, bị xử phạt, đình chỉ hoạt động để khắc phục theo Nghị định 136. Ông Trường đề nghị ngành công an cần sớm có bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các văn bản, quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành để thực hiện, tạo điều kiện để doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) bày tỏ lo ngại khi mùa du lịch biển sắp đến nhưng việc khắc phục các tồn tại từ công tác PCCC vẫn đang ngổn ngang. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nếu không hoàn thành việc cải tạo, khắc phục một số hạng mục theo quy định, các khách sạn sẽ bị đóng cửa.

“Chúng tôi rất lo lắng, bởi nếu thực hiện theo yêu cầu thì phải phá dỡ, cải tạo khách sạn, làm lại hồ sơ thiết kế. Điều này cần phải có thời gian chứ không thể làm ngay. Không phải chúng tôi không làm mà đề nghị cho giãn thời gian sau dịp hè”, ông Thảo nói.

IMG-3205

Ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến bày tỏ lo ngại khi mùa du lịch sắp đến nhưng việc khắc phục tồn tại liên quan đến PCCC vẫn ngổn ngang.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho rằng, nếu áp dụng tiêu chí mới về PCCC, rất ít doanh nghiệp đáp ứng điều kiện khi mà nhà máy, công xưởng đã xây dựng từ nhiều năm trước.

Theo ông Lâm, chỉ nên áp dụng các quy định mới về PCCC đối với các công trình xây dựng thời gian gần đây, từ khi có quy định thiết kết, thẩm duyệt mới. Còn đối với các công trình cũ, cần phải có lộ trình để doanh nghiệp khắc phục. Việc đóng cửa, đình chỉ hoạt động được ông Lâm ví von không khác gì xe đang chạy trên đường bị …phanh gấp không hỏng người thì cũng hỏng xe.

“Chúng ta đưa vào áp dụng hơi vội vàng, cứng nhắc. Lẽ ra nên có lộ trình một vài năm thì doanh nghiệp mới có thời gian chuẩn bị. Bên hiệp hội dệt may chúng tôi trừ nhà máy nào xây dựng trong năm 2022 trở lại đây và áp dụng thẩm duyệt PCCC mới thì đảm bảo quy định. Còn nhiều nhà máy cũ xây trước đó, thẩm duyệt thiết kế PCCC theo quy định cũ nhưng nghiệm thu lại theo quy định mới nên rất khó khăn”, ông Lâm kêu khó.

IMG-3198

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho rằng việc đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC không khác gì xe đang chạy bị... phanh gấp

“Vỡ trận” vật liệu xây dựng, khó tiếp cận vốn ngân hàng

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Miền Trung Mai Xuân Thông dùng từ “vỡ trận” khi nói về thị trường vật liệu xây dựng, đất san lấp ở Thanh Hóa. Theo ông Thông, việc “vỡ trận” xảy ra tại nhiều địa phương nhưng họ có nguyên nhân khách quan. Còn ở Thanh Hóa, tình trạng vừa thiếu nguồn cung, vừa tăng giá vật liệu là do nguyên nhân chủ quan hoàn toàn.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án trọng điểm tại Thanh Hóa như đất san lấp, cát, đá rất dồi dào nhưng để xảy ra tình trạng thiếu là do chính các doanh nghiệp lĩnh vực cung cấp vật liệu tự đẩy giá lên.

“Tôi đề nghị tới đây, cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu các chủ mỏ bán bao nhiêu phải kê khai niêm yết trên cổng thông tin của đơn vị để cơ quan nhà nước quản lý. Đó cũng là cơ sở để các nhà thầu điều chỉnh giá với chủ đầu tư”, ông Thông bức xúc nói.

IMG-3202

Ông Mai Xuân Thông dùng từ "vỡ trận" khi nói về tình trạng khan hiếm, đẩy giá vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa thời gian qua

Với tư cách là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN tỉnh, ông Mai Xuân Thông cho biết đây không chỉ là chuyện cá nhân mà còn là vấn đề gây bức xúc với khối các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này cần phải tăng cường quản lý, giám sát theo nguyên tắc công bằng, đúng đủ để giá vật liệu xây dựng trở về đúng giá trị thực, tránh nguy cơ thất thu thuế.

Sau PCCC và vật liệu xây dựng, vấn đề tiếp cận tín dụng, lãi suất ngân hàng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo các doanh nghiệp, hiện lãi suất ngân hàng quá cao, ở mức 9 – 10%/ năm khiến việc vay và cho vay đều gặp khó. Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp cần ngân hàng để vay vốn và ngân hàng cũng cần khách hàng là doanh nghiệp. Tuy nhiên cả hai đều đang gặp khó.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may khi nói về thế chấp vay ngân hàng dẫn ví dụ: “Một nhà máy xây dựng cách đây 5-7 năm, khi thế chấp vay vốn bị tính giảm trừ khấu hao rất sâu. Điều này là không sai theo quy định. Nhưng giá trị thực tế của nhà máy cao hơn nhiều do sản xuất kinh doanh tốt, lợi nhuận cao, thương hiệu mạnh, thậm chí giá nguyên vật liệu để xây nhà máy thời điểm này tăng nhưng khi thẩm định để thế chấp vay vốn vẫn thấp, khiến cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn”.

IMG-3208

Đa số các doanh nghiệp đều kêu khó sau đại dịch

Về vấn đề này, tại hội nghị luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ tịch Đoàn Luật sư Thanh Hóa đề nghị ngân hàng cần phải áp dụng cơ chế cho vay tín chấp. “Luật cho phép ngân hàng thực hiện cơ chế này. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng vì lo tính an toàn nên không cho vay tín chấp. Trong khi đó doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đa số có quy mô vừa và nhỏ, không có điều kiện để vay thế chấp.”, ông Ninh phân tích.

Đối với vấn đề thuế, luật sư Ninh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan công an không hình sự hóa. Nếu phát hiện sai phạm cho doanh nghiệp khắc phục. Nếu khắc phục được thì không xử lý hình sự.

IMG-3207

Ngày 31/3 sẽ diễn ra hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gặp doanh nghiệp

Theo kế hoạch vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố, vào ngày 31/3 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ trực tiếp gặp mặt doanh nghiệp. Sẽ có 300 đại biểu là doanh nhân, chủ các doanh nghiệp đại diện cho các hiệp hội, lĩnh vực, ngành hàng, đại diện cho hơn 27.000 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa được mời tham dự.

Ngoài các cuộc gặp mặt định kỳ hằng tháng theo lịch đối với một số doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc đột xuất, đây là lần đầu tiên sau 3 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, UBND tỉnh Thanh Hóa mới tổ chức gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp với quy mô lớn.

Quang Duy  
SeABank lần thứ 5 được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam
Vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 5%/năm
Bí quyết để doanh nghiệp chinh phục khách hàng
Quảng Ninh 7 năm liên tiếp giữ quán quân PCI
Giải pháp số cho doanh nghiệp của SHB nổi bật tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng
Vietcombank đồng hành cùng sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024
Công bố PCI 2023: Thanh Hóa tăng 17 bậc, Quảng Ninh năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu
Tặng chuyến du lịch Hawaii cho chủ thẻ tín dụng LPBank JCB Ultimate
Xuất hiện gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 5%/năm
Dân văn phòng được miễn gần 50 loại phí sử dụng dịch vụ ngân hàng
Quản lý tài sản bền vững, nhà đầu tư nên ‘bắt tay’ tổ chức chuyên nghiệp
BIDV ưu đãi khách hàng sử dụng dịch vụ thu chi hộ trên nền tảng InfoPlus
SHB là đại diện ngân hàng VN đầu tiên, duy nhất giành giải thưởng tại Digital CX Awards 2024
Vietcombank tiếp tục là ngân hàng sáng tạo và kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
BIDV tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024
SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh
Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh với vốn vay ưu đãi này
Tại sao có nhiều tiền nhưng không cảm thấy giàu có?
SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử, mục tiêu 2024 tăng 22% và chia cổ tức 18%
Lợi nhuận quý 1 của MSB đạt 22,5% kế hoạch năm    
Xem thêm