Giải rượu bia bằng nước chanh pha mật ong được không?
Dân nhậu thường rỉ tai nhau cách giải rượu bia bằng nước chanh pha mật ong sẽ giúp nhanh tỉnh táo, giảm nồng độ cồn trong máu để có thể lái xe về nhà an toàn. Thực hư cách làm đó có hiệu quả như mọi người nghĩ?
Trong những buổi tiệc tùng cuối năm, rượu bia là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều rượu bia cùng một lúc hoặc uống quá nhiều trong thời gian dài có thể làm gia tăng nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, với những người sau mỗi cuộc nhậu phải điều khiển phương tiện giao thông thì cực kỳ nguy hiểm.
Để giảm thiểu các tác hại của rượu bia với cơ thể, nhiều người truyền tai nhau “thần dược” giải rượu là sử dụng nước chanh pha mật ong. Thực hư phương pháp giải rượu này có hiệu quả như lời đồn?
Ảnh minh họa
Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, nước chanh pha mật ong không có tác dụng làm giảm tác hại của bia rượu trong cơ thể mà chỉ làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Khi một người uống bia rượu và đồ uống có cồn nói chung, đến một mức độ nhất định sẽ có cảm giác say. Say ở mức độ nhẹ sẽ biểu hiện với các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn; nặng hơn là mất kiểm soát hành vi, lơ mơ.
Sự chênh lệch về tửu lượng là do mỗi người có tốc độ chuyển hóa cồn (ethanol) khác nhau. Điều này phụ thuộc vào các loại enzyme như ADH và chất chống oxy hóa glutathione do gan tiết ra. Khi lượng bia rượu bạn uống vào vượt quá ngưỡng chuyển hóa của gan, cơ thể sẽ bị say.
Nước chanh pha với mật ong, sả gừng, nước cam đều có chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa, thúc đẩy quá trình chuyển hóa bia rượu tại gan diễn ra nhanh hơn. Từ đó giúp giảm cảm giác say, giảm các triệu chứng khó chịu trên cơ thể.
Tuy nhiên, các loại nước nói trên không làm giảm tác hại của bia rượu cũng như không có khả năng giúp nồng độ cồn về 0 nhanh hơn.
Người dân cần lưu ý sử dụng rượu bia quá mức và kéo dài có thể gây ra những tác hại như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Theo Bộ Y tế, nên hạn chế rượu, bia và các thức uống có cồn nói chung. Tốt nhất, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, đồng thời không uống quá 5 ngày/tuần.
Đặc biệt, khi tham gia giao thông tuyệt đối không nên tiêu thụ rượu bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu đã uống rượu, thì việc nhờ một người tỉnh táo chở về, sử dụng dịch vụ đi chung xe hoặc gọi taxi luôn là lựa chọn an toàn và thông minh nhất.