Giải mã cuộc đời bí ẩn của thánh sống, Phật sống vùng Trung Á (Kỳ 5)
Trong khi các Thánh nữ của nước Nepal láng giềng phải hoàn tục khi đã trưởng thành, thậm chí vẫn lấy chồng sinh con bình thường thì các Phật sống Tây Tạng sẽ ngồi ở ngôi vị tối cao ấy cho đến cuối đời.
Kỳ 5: Hành trình đi tìm truyền nhân Đức Phật kỳ lạ của người Tây Tạng
Tại Tây Tạng – kinh đô của Phật giáo thế giới, tục lệ đào tạo Phật sống – Đạt Lai Lạt Ma qua hàng ngàn năm vẫn được duy trì. Không chỉ đơn giản là một chức sắc tôn giáo, Phật sống còn được coi như biểu tượng tinh thần thiêng liêng của các Phật tử. Thế nhưng quy trình tuyển chọn và đào tạo một Đạt Lai Lạt Ma thì không phải ai cũng tường tận.
Cuộc sàng lọc khắc nghiệt
Nằm trọn trên dãy Himalaya quanh năm tuyết phủ, Tây Tạng gần như bị tách biệt với phần còn lại của thế giới. Để đến miền đất này, du khách phải vượt qua địa hình hiểm trở, những cung đường giao thông cực kỳ khó khăn. Bởi vậy nên đến ngày nay, cuộc sống của dân cư Tây Tạng vẫn được xem là chứa đựng nhiều bí ẩn, trong đó có tập tục đào tạo Phật sống của Phật giáo Tây Tạng. Ngày nay, nhiều Phật tử trên thế giới thậm chí còn không biết nghi thức này đã từng và đang tồn tại trong tôn giáo của mình. Bởi lẽ, Phật sống ở Tây Tạng có những nét đặc thù riêng biệt chứ không phổ biến rộng rãi ra bên ngoài.
Lần theo sử sách và các ghi chép cổ đại thì ngôi vị Phật sống đã tồn tại từ cả ngàn năm nay, khi Phật giáo Tây Tạng ra đời từ sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa với một số tôn giáo địa phương. Phật giáo ở Tây Tạng và cả vùng Nội Mông được coi là “quốc giáo”. Vào giữa thế kỷ VII, theo chân các nhà sư, Phật giáo đã từ Ấn Độ, Nepal và Trung nguyên (tức Trung Quốc) du nhập vào vùng Tây Tạng và Nội Mông Thanh Hải.
Tại những nơi này, Phật giáo từ bên ngoài kết hợp với một số tôn giáo bản địa đã dần dần hình thành nên môn phái Phật giáo mang đặc điểm riêng của vùng và được gọi là Tạng truyền Phật giáo (hoặc còn có các tên gọi khác như Tây Tạng Phật giáo, Tạng ngữ hệ Phật giáo hoặc Lạt Ma giáo).
Tạng truyền Phật giáo gồm 5 giáo phái chủ yếu là Ninh mã phái (Hồng giáo), Cát đương phái (Hắc giáo), Cát cử phái (Bạch giáo), Tát già phái (Hoa giáo) và Cách lỗ phái (Hoàng giáo). Một trong những đặc điểm riêng của Tạng truyền Phật giáo là thực hành chế độ Phật sống truyền thế (tức Hoạt Phật truyền thế).
Hình tượng thiêng liêng này bắt nguồn từ thuyết tái sinh của đạo Phật: Con người có thể đầu thai, sống luân hồi qua nhiều kiếp. Người đứng đầu Giáo hội Phật giáo chính là Đức Phật mượn thân xác con người để hiện hữu nơi trần thế, cứu độ chúng sinh. Khi thân xác ấy tiêu tan theo quy luật của tạo hóa, Đức Phật sẽ tái thế vào một thân xác khác. Ngài sẽ hóa thân vào hình hài một đứa trẻ nào đó, gọi là linh đồng. Nhiệm vụ của các Phật tử là phải tìm ra được linh đồng – hiện thân của Đức Phật này. Khi đó, quy trình tìm kiếm và tấn phong “Phật sống” của Phật giáo Tây Tạng sẽ bắt đầu được khởi động.
Phật sống Tây Tạng thường được tuyển chọn từ khi còn rất nhỏ (ảnh minh họa)
Bước đầu tiên, các vị cao tăng sẽ căn cứ vào những lời dặn dò trước khi viên tịch của vị Phật sống và cả những lời báo mộng của vị thần Hộ pháp có tên Lạp Mục Xuy Trung về phương hướng và địa danh linh đồng sinh ra, đồng thời kết hợp với sự quan sát hình tích của linh đồng đã được thể hiện trong “hình mẫu thánh hồ” (tức là hình bóng của Đức Phật in trên mặt nước) để chia thành nhiều nhóm đi tìm vị linh đồng đó. Theo thông lệ, mỗi nhóm thường tìm được tới vài linh đồng khiến tổng số hiện thân của Đức Phật có khi lên tới hàng chục. Đơn cử như vào năm 1994, người ta đã tìm được tới 28 linh đồng ở rải rác trong 46 huyện thuộc 5 tỉnh của vùng Tây Tạng và khu tự trị Nội Mông.
Qua các vòng sàng lọc, dựa vào một loạt tiêu chí ngặt nghèo như địa điểm ra đời, năm sinh, phong thủy của vùng đất nơi linh đồng được sinh ra, tướng mạo, khả năng đối đáp khi được hội đồng các vị cao tăng hỏi han..., sẽ chỉ còn một vài linh đồng đáp ứng được tiêu chuẩn trở thành Phật sống. Khi số lượng ứng viên đã thu hẹp lại, các linh đồng lọt vào tới “vòng chung kết” này bắt đầu được đào tạo một số nghi thức cũng như kiến thức về đạo Phật.
Cuộc sàng lọc vẫn tiếp tục diễn ra trong quá trình này, để đảm bảo rằng tất cả những đứa trẻ sau khi “tốt nghiệp” đều hội đủ mọi điều kiện cần thiết, sẵn sàng đăng quang trở thành biểu tượng tinh thần chí tôn của Phật tử tại vùng đất thiêng của Phật giáo thế giới.
Nghi lễ tấn phong đặc biệt
Bước cuối cùng là buổi lễ “Kim bình xiết thiêm” – hay gọi một cách dân dã là lễ “rút thẻ” – để chọn ra một vị Phật sống duy nhất. Nghi lễ này luôn được tiến hành trong ngôi chùa linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng tại thủ phủ Lhasa. Trước tượng Phật Tổ, với sự chứng kiến của các vị cao tăng, đại đức, các quan chức chính quyền, tên của từng linh đồng được viết lên một tấm thẻ làm bằng ngà voi, đựng trong những chiếc túi lụa hoàn toàn giống nhau và được niêm phong cẩn thận.
Những chiếc túi này được cho vào một chiếc bình gọi là bình Kim Bôn Ba, đặt lên ban thờ. Đó là chiếc bình bằng vàng, tương truyền do Càn Long Hoàng đế tặng cho Quốc sư Tây Tạng từ năm 1792 để dành riêng cho nghi thức lựa chọn Phật sống.
Theo sử sách ghi lại, vua Càn Long là người rất sùng bái đạo Phật và từng sai nhiều đoàn sứ giả thay mặt mình hành hương về Tây Tạng. Thế nên, ông mới biết đến nghi lễ “Kim bình xiết thiêm”. Là một Phật tử “có điều kiện”, vị vua nổi danh lịch sử Trung Hoa này đã sai thợ chế tác ra chiếc bình vàng vô cùng tinh xảo và tiến dâng cho “lễ rút thẻ” này.
Sau hàng loạt các nghi thức hành lễ khác, vị cao tăng chủ sự buổi lễ sẽ xóc chiếc bình ba lần rồi rút ngẫu nhiên một chiếc túi có đựng thẻ ra. Ngài sẽ tiến hành các hành động này một cách rất chậm rãi, để tất cả mọi người đều có thể quan sát được tường tận, trong sự hồi hộp tột độ. Khi rút túi trong kim bình – khoảng khắc may rủi quyết định ai sẽ là tân Phật sống, các chủ sự thường nhìn vào đâu đó trong cõi hư vô, miêng niệm Phật hiệu, tránh nhìn vào các túi vải. Chỉ khi đã cầm chắc chắn một chiếc lên tay rồi, họ mới nhìn xuống, từ từ mở túi, rút ra chiếc thẻ ngà. Khi công bố tên tuổi ghi trên tấm thẻ, một vị Phật sống mới chính thức được tìm ra. Đức phật đã thực sự tái thế, tiếp tục phổ độ chúng sinh.
Đại cung Potala – nơi tu hành của truyền nhân Đức Phật
Năm 2010, cậu bé 4 tuổi Losang Doje đã được phong làm Phật sống Tây Tạng đời thứ 6 kể từ khi vùng đất này trở thành khu tự trị thuộc Trung Quốc. Cũng phải nói thêm rằng kể từ lúc trở thành khu tự trị, Phật sống sau khi kết thúc nghi lễ “rút thẻ” sẽ phải chờ quyết định công nhận từ chính quyền trung ương mới được danh chính ngôn thuận.
Các Thánh nữ Nepal và Phật sống Tây Tạng có chung đặc điểm là được lựa chọn vào ngôi vị chí tôn của tôn giáo mình từ khi còn rất nhỏ. Nhưng trong khi các Thánh nữ của nước Nepal láng giềng phải hoàn tục khi đã trưởng thành, thậm chí vẫn lấy chồng sinh con bình thường thì các Phật sống Tây Tạng sẽ ngồi ở ngôi vị tối cao ấy cho đến cuối đời.
Thế nên, hình tượng này càng trở lên tôn nghiêm hơn, khiến mọi người sùng tín hơn. Trước kia, việc tìm kiếm, lựa chọn và phong Phật sống chỉ được tiến hành sau khi vị Phật sống tiền nhiệm viên tịch hoặc đã mất hoàn toàn khả năng hành đạo.
Trong những lần gần đây, quy trình này đã được thay đổi chút ít. Do quá trình tìm kiếm và đào tạo thường kéo dài tới vài năm nên sẽ có một khoảng trống mà các Phật tử không có người lãnh đạo về mặt tinh thần. Để đảm bảo sự tồn tại của Phật sống có tính kế tục, ngày nay người ta thường “ngắm sẵn” các ứng viên mỗi khi Phật sống đương nhiệm đã già yếu, qua đó đảm bảo có thể có ngay người kế nghiệp một khi Ngài về cõi Niết Bàn.
Kỳ tới: Nỗi cô đơn tận cùng sau ánh kim quang của những đứa trẻ bị ép làm Phật sống
Những Phật sống trẻ tuổi đang được cho học tại các học viện thần giáo hàng đầu để trở thành những nhà lãnh đạo tôn giáo xuất sắc trong tương lai. 22 Phật sống trẻ tuổi, trong đó có Phật sống thứ 6 Dezhub Jamyang Sherab Palden, 7 tuổi và Phật sống thứ 7 Reting Rinpoche, 15 tuổi đang theo học Đại học Phật giáo Tây Tạng – đại học Phật giáo cấp độ khu vực duy nhất của Tây Tạng. “Những Phật sống trẻ tuổi cùng học và cùng chơi với nhau. Họ có thể có xuất thân khác nhau, độ tuổi khác nhau, đến từ những khu vực khác nhau, tầm ảnh hưởng tôn giáo khác nhau và điều kiện kinh tế khác nhau. Nhưng ở trường, họ đều bình đẳng với tư cách là bạn học” – phó hiệu trưởng trường này, ông Dulkar Tsering cho hay. |
Thanh Tùng