“Gắn chuyện mua bán trẻ em với nhà chùa là xúc phạm tôn giáo”
Trước thông tin bảo mẫu chùa Bồ Đề bị bắt về hành vi mua bán trẻ em, GS Đào Trọng Thi cho rằng: "Chúng ta đều biết, hai đối tượng buôn bán trẻ em kia không phải là người của nhà chùa, không phải sư, không tu hành gì cả, vì thế chúng ta không nên quy kết lung tung, sẽ rất không hay".
GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có cuộctrao đổi với PV báo điện tử Infonet xung quanh vụ việc "mua bán trẻ em" xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).
Hiện nay dư luận đang xôn xao trước việc cơ quan công an bắt đối tượng quản lý khu nuôi trẻ trong chùa Bồ Đề vì tội buôn bán trẻ em. Ông nhìn nhận như thế nào về sự việc này?
Trước hết chúng ta phải nhìn nhận, việc buôn bán trẻ em không phải mới mẻ gì. Chúng ta cần phải xem những đối tượng buôn bán trẻ em trong chùa là vi phạm pháp luật, nhưng cũng không nên đặt ra vấn đề gì quá lớn.
Trong trường hợp này, việc buôn bán trẻ em diễn ra ngay trong khuôn viên một ngôi chùa. Tuy nhiên những người tham gia vụ việc lại không phải là các nhà hoạt động tôn giáo. Còn hoạt động từ thiện thì bao giờ cũng diễn ra ở khai khía cạnh: ngoài tính nhân văn ra thì bao giờ nó cũng có thể kèm theo một số tiêu cực nếu như người ta lợi dụng.
Đối với các cơ sở tôn giáo cũng như các nhà chùa, chúng ta phải công nhận họ làm được rất nhiều các hoạt động từ thiện. Đồng thời cũng phải công nhận họ làm rất tốt những việc này. Thường trong lĩnh vực từ thiện thì tôn giáo và đặc biệt là Phật giáo luôn có đóng góp rất lớn.
Còn chuyện một số người lợi dụng việc làm từ thiện thì đó là mặt trái của hoạt động đó và cũng xuất phát từ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý.
Chùa Bồ Đề nơi đang nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua Ảnh internet |
Ông vừa nói đến việc những người tham gia buôn bán trẻ em không phải là những nhà hoạt động tôn giáo và đã là hoạt động từ thiện thì thường có hai mặt. Như vậy nghĩa là phải hiểu việc buôn bán trẻ em diễn ra tại chính ngôi chùa và nhà chùa có tham gia hay không là hai việc hoàn toàn khác nhau?
Hiện bây giờ cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra vụ việc. Vì thế chúng ta cần phải chờ đợi thêm để có được kết quả chính xác nhất.
Nhưng theo tôi, trong câu chuyện này chúng ta đừng nên gắn chuyện buôn bán trẻ em với nhà chùa, vì nếu như vậy là xúc phạm tôn giáo. Vì những người vi phạm ở đây, như tôi đã nói, họ không phải là người nhà chùa. Mà người nhà chùa thường có truyền thống về nuôi trẻ mồ côi, còn người lợi dụng làm chuyện xấu thì chúng ta không nên gán ghép vào.
Chính vì nó không gắn với nhà chùa nên chúng ta phải xem đây là mặt trái của công tác từ thiện. Nếu chúng ta hiểu đơn giản như vậy thì tôi nghĩ không có chuyện gì quá đặc biệt ở đây.
Cần phải nói rõ đây là những người vi phạm pháp luật, lợi dụng sơ hở trong công tác từ thiện để buôn bán người. Họ lợi dụng danh nghĩa từ thiện để vi phạm pháp luật thì đó là tội phạm hình sự, chứ không phải vấn đề từ thiện có tính chất như vậy.
Việc buôn bán trẻ em trong trường hợp này là họ núp bóng danh nghĩa làm từ thiện. Vì thế chúng ta đừng ghép đây là hoạt động từ thiện, và lại càng không đúng nếu ghép với tôn giáo, vì như vậy có thể xem là xúc phạm tôn giáo.
Chúng ta cũng không nên nói nhiều quá, soi mói nhiều quá vào chuyện đó làm gì. Đặc biệt tôi nhấn mạnh, không nên gắn việc này với tôn giáo, không nên gắn với các hoạt động từ thiện một cách đúng nghĩa. Nếu chúng ta nói từ thiện thế này, tôn giáo thế này thì câu chuyện lúc đó khác hẳn đi. Khi đó là xúc phạm đến những người hoạt động nhân văn và hoạt động tôn giáo chân chính.
Chúng ta đều biết, hai đối tượng buôn bán trẻ em kia không phải là người của nhà chùa, không phải sư, không tu hành gì cả, vì thế chúng ta không nên quy kết lung tung, sẽ rất không hay. Chẳng qua việc buôn bán trẻ em này lại dính đúng đến nơi linh thiêng mà thôi. Theo tôi, nên có một quan điểm như vậy!
GS Đào Trọng Thi - ĐBQH đoàn Hà Nội - Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ảnh ND) |
Một câu chuyện đặt ra là các hoạt động từ thiện nói chung hiện nay chưa được giám sát một cách chặt chẽ, dễ sinh tiêu cực. Theo ông, Quốc hội có nên thực hiện giám sát về các nguồn quỹ từ thiện, để nó có thể được diễn ra theo đúng nghĩa và hạn chế đi những tiêu cực?
Việc giám sát quỹ từ thiện không nằm trong phạm vi của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của chúng tôi. Nếu là quỹ chính thức thì nó lại thuộc vấn đề tài chính.
Nhưng việc này không phải là quỹ, mà chẳng qua chỉ là lấy danh nghĩa từ một hoạt động của việc nuôi trẻ mồ côi – một hoạt động rất nhân đạo để người ta làm hành động phi pháp – buôn bán người. Đó là vi phạm pháp luật về buôn bán người và câu chuyện cho con nuôi một cách bất hợp pháp. Nếu làm theo đúng luật nuôi con nuôi thì sẽ không có những chuyện như vậy.
Ngoài ra cũng không nên đặt vấn đề giám sát hoạt động từ thiện, cũng không đáng phải tổ chức các hoạt động giám sát ở cấp Quốc hội. Đối với các cơ quan nhà nước, có thể thực hiện việc quản lý để những hoạt động đó thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thôi. Còn ở Quốc hội chắc còn nhiều vấn đề rất quan trọng của Quốc gia cần phải giám sát, chứ không phải việc gì cũng giám sát được. Nhưng dù sao thì cái này cũng không thuộc lĩnh vực của chúng tôi, mà nó thuộc về lĩnh vực của người khác.
Xin cảm ơn ông!