Dùng điện thoại quá 6 tiếng mỗi tuần làm tăng 25% nguy cơ cao huyết áp
Nếu cuộc trò chuyện trên điện thoại kéo dài từ 30 phút trở lên mỗi tuần, người dùng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đau tim và đột quỵ, đồng thời là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30 – 79 tuổi bị tăng huyết áp và hầu hết sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh.
Bên cạnh những nguyên nhân như lối sống thiếu khoa học hay chế độ dinh dưỡng không lành mạnh thì các chuyên gia cũng chỉ ra yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp từ một vật bất ly thân của nhiều người, đó là điện thoại.
Ảnh minh họa
Tác động của việc sử dụng điện thoại di động và tăng huyết áp
Tác giả nghiên cứu - Giáo sư Xianhui Qin, Đại học Y miền Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc cho biết: “Số phút mọi người nói chuyện trên điện thoại di động dường như rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, càng nhiều phút thì nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại di động lâu dài có thể không ảnh hưởng đến nguy cơ tăng huyết áp nếu mọi người nói chuyện không quá 30 phút mỗi tuần”.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa việc thực hiện và nhận các cuộc gọi điện thoại di động và bệnh cao huyết áp mới khởi phát, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ hơn 200.000 người tham gia Biobank ở Anh.
Chỉ những người không bị tăng huyết áp mới được đưa vào nghiên cứu. Đối tượng ở độ tuổi từ 37 đến 73, với độ tuổi trung bình là 54. Biobank của Vương quốc Anh có 95% là người da trắng và 62% người tham gia là phụ nữ; 88% là người sử dụng điện thoại di động.
Thông tin về việc sử dụng điện thoại di động để thực hiện và nhận cuộc gọi được thu thập thông qua bảng câu hỏi tự báo cáo trên màn hình cảm ứng lúc ban đầu, bao gồm số năm sử dụng, số giờ mỗi tuần và việc sử dụng thiết bị rảnh tay hoặc loa ngoài.
Để cố gắng tìm hiểu tác động của việc sử dụng điện thoại di động và tăng huyết áp, các nhà điều tra đã kiểm soát độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, chủng tộc, các yếu tố kinh tế xã hội, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, trình độ học vấn, tình trạng hút thuốc, huyết áp, lipid máu, tình trạng viêm, chức năng thận và sử dụng thuốc để giảm mức cholesterol hoặc đường huyết.
Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong thời gian trung bình là 12 năm và trong thời gian đó, khoảng 1 trong 14 người, tương đương 7%, bị tăng huyết áp.
Người dùng điện thoại di động có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 7% so với người không sử dụng.
Những người nói chuyện trên điện thoại di động từ 30 phút trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp mới khởi phát cao hơn 12% so với những người tham gia dành ít hơn 30 phút cho các cuộc gọi điện thoại. Kết quả này tương tự ở cả phụ nữ và nam giới.
So với những người tham gia dành ít hơn 5 phút mỗi tuần để thực hiện hoặc nhận các cuộc gọi điện thoại di động, lượng sử dụng cuộc gọi điện thoại hàng tuần này có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp tăng lên sau đây:
- 30 đến 59 phút tăng nguy cơ 8%
- 1 đến 3 giờ tăng nguy cơ 13%
- 4 đến 6 giờ tăng nguy cơ 16%
- Hơn 6 giờ tăng nguy cơ 25%
Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu cho biết mọi người đã sử dụng điện thoại di động được bao nhiêu năm và việc họ sử dụng thiết bị rảnh tay hay loa ngoài không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Ảnh minh họa
Có nên hạn chế sử dụng điện thoại di động?
Giáo sư Xianhui Qin cho biết: “Hy vọng rằng nghiên cứu của chúng tôi góp phần hiểu rõ hơn về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động thường xuyên và khuyến khích nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này”.
Ông cho biết thêm, điều quan trọng là các mỗi người phải nhận thức được những phát hiện này và cân nhắc việc hạn chế thời gian gọi điện nếu cảm thấy lo lắng về mức huyết áp của mình.
Trả lời câu hỏi “Nghiên cứu này có đủ để khuyên mọi người đảm bảo rằng họ nghe điện thoại dưới ngưỡng 30 phút không”, tác giả nghiên cứu nói: “Tôi không nghĩ mọi người cần phải đi xa đến thế. Ngay cả các tác giả cũng thừa nhận rằng nghiên cứu này có những hạn chế và nó chỉ đưa ra một số giả thuyết thay vì đưa ra bằng chứng cho thấy nói chuyện điện thoại trong 29 phút sẽ tốt hơn 30 phút”.
Qin thừa nhận, giới chuyên môn cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xem xét vấn đề này một cách cụ thể trước khi đưa ra những khuyến nghị chắc chắn.