Doanh nhân Lê Quốc Phong: 30% thành công nhờ biết chơi golf
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền chia sẻ rằng hơn 30% các vụ hợp tác làm ăn của Bình Điền được ông chốt trên sân golf.
Sau 30 năm gắn bó với Bình Điền, ông Phong đã đưa công ty này trở thành nhà sản xuất phân NPK mang nhãn hiệu Đầu Trâu số 1 tại Việt Nam, xếp thứ 167 ở Việt Nam về doanh thu.
Năm 2013, sản lượng sản xuất của Bình Điền đạt gần 650.000 tấn, tổng doanh thu đạt 6.640 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 355 tỷ, thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng. Cổ đông được chia cổ tức 28%.
Không những là một lãnh đạo doanh nghiệp tài năng, ông được đánh giá là một golfer có hạng. Ông là Trưởng Ban tổ chức giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” tổ chức liên tục 6 năm qua với số tiền quyên góp được hơn 25 tỷ đồng, giúp cho hàng ngàn tân sinh viên có hoàn cảnh nghèo khó được đến với giảng đường đại học.
Doanh nhân Lê Quốc Phong
Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Lê Quốc Phong xung quanh chuyện kinh doanh và chơi golf.
PV: Đánh golf và kinh doanh có sự tương đồng nào không, thưa ông?
Ông Lê Quốc Phong: Chúng ta đều biết rằng golf là một môn thể thao không có tính đối kháng, các golfer đối diện với chính mình và chiến thắng với chính bản thân, những áp lực cho từng cú đánh và sự nuối tiếc do tâm lý.
Khi chơi golf, có hàng ngàn tình huống khác nhau xảy ra và các tình huống phải đưa ra các quyết định chính xác để xử lý tình huống đó, cũng giống như trong kinh doanh có những tình huống bắt buộc chúng ta phải đưa ra một quyết định kịp thời. Chẳng hạn khỏang cách bao nhiêu, dùng gậy gì, gió bên phải hay bên trái, cách đánh làm sao, rồi cái green đó độ nghiêng đổ thế nào, khỏang cách bao xa để quyết định gậy đánh, cách đánh.
Trong môn golf, có những hố đánh rất tốt, nhưng có những hố đánh bị bể, tức là đánh rất nhiều gậy và trong trường hợp này lập tức phải quên ngay lỗ bị bể, không ấm ức thì lỗ sau mới đánh tốt được, cũng như trong làm ăn có những phi vụ không thuận lợi, hay một hợp đồng nào đó gặp thất bại nếu ấm ức thì không bao giờ nghĩ ra được những “độc chiêu” mang đến thành công.
Do đó các doanh nhân khi đã chơi golf thì càng đánh càng mê (nhiều người còn nói đùa golf là ma túy của thể thao). Chưa kể khi đi đánh golf còn gặp gỡ, giao lưu với bạn bè.
Phải nói trong các môn thể thao thì golf là môn thể thao có nhiều người bạn mới nhất vì môn golf khác với các các môn thể thao khác ở chỗ là người mới chơi và người chơi đã lâu cũng có thể đi một nhóm được.
Hơn 30% các vụ hợp tác làm ăn của Bình Điền được Lê Quốc Phong chốt trên sân golf.
Như vậy, phải chăng chơi golf là cơ hội của doanh nhân?
Có chứ. Các doanh nghiệp nước ngoài khi mới làm ăn với nhau người ta thường mời đối tác đi chơi golf một, hai lần. Qua chơi golf, tính cách của từng người một sẽ thể hiện ra trong đường golf của mình, qua cách đánh sẽ thể hiện tính cách có trầm tĩnh, có nóng nảy và có trung thực hay không. Và chỉ đi 18 đường golf thí ít nhiều có thể hiểu được phong cách, tính tình của đối tác để khi thảo luận các hợp đồng làm ăn thì dễ dàng hơn.
Việc này, đối với các doanh nhân Nhật thì bao giờ làm ăn với ai thì họ cũng mời đi chơi golf trước khi bàn bạc các hợp đồng hoặc các chương trình làm ăn. Và điều quan trọng là lúc đi chơi golf thì người ta xác định đối tác đó mình có nên làm ăn lâu dài hay không.
Nếu nói một cách ước lượng, ông thấy sự thành công của ông có bao nhiêu phần trăm từ việc chơi golf?
Ngày trước các đối tác nước ngoài đến làm việc với tôi thường áo vest, cà vạt rất trang trọng và gặp ở văn phòng. Bây giờ thì khác. Vừa đến phi trường là họ hẹn tôi ra sân golf, vừa đánh golf vừa thảo luận bàn bạc. Lúc đánh xong còn vấn đề gì đó cần thảo luận nữa khi ăn cơm với nhau sẽ bàn bạc tiếp, sau đó có thể họ lên máy bay về nước. Đó là một phong cách làm việc khác với giai đọan trước, khi tôi chưa biết chơi golf.
Thật tình mà nói, hơn 30% các vụ hợp tác làm ăn của Bình Điền được tôi chốt trên sân golf.
Gia Luật