Doanh nhân Bắc Ninh mua thành công ấn "Hoàng đế chi bảo"
Đại diện Bộ VHTTDL vừa xác nhận trên truyền thông, một người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương.
Chia sẻ với Dân trí, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, một người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", hiện phía Việt Nam vẫn đang hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương.
Ông Cương cho biết thêm, việc thương lượng mua ấn vàng đã diễn ra từ lâu và đã thành công. Phía Pháp đợi chuyển tiền thành công là giao cổ vật. Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Ông Nguyễn Thế Hồng và chiếc ấn quý (Ảnh: Báo Thanh niên)
Theo Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu để nắm được các thông tin về chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" khi Nhà đấu giá Millon (Pháp) bắt đầu đưa ra thông tin về việc đấu giá cổ vật này. Ông Hồng cũng là người bỏ ra toàn bộ các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp. Việc thương lượng mua thành công cổ vật "Hoàng đế chi bảo" để đưa bảo vật hồi hương nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL.
Ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. (Ảnh: Millon).
Sau đó, thông qua thương lượng trực tiếp, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá hơn 6,1 triệu euro.
Trước đó, khi biết tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ VHTT&DL đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội.
Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại VN và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Thế Hồng là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, thi công xây dựng công trình, kinh doanh bất động sản ở Bắc Ninh.
Doanh nghiệp của ông Hồng là một trong những doanh nghiệp lớn ở tỉnh này. Ngoài bất động sản, ông còn có niềm đam mê không nhỏ với cổ vật và lập nên Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.
Tại đây, ông trưng bày rất nhiều cổ vật quý hiếm, là thành quả nhiều năm sưu tầm của ông.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thế Hồng còn sở hữu một bảo vật quốc gia được xét công nhận ngày 30/1 vừa qua. Bảo vật đó là Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên).