Đi xe ô tô dù xa hay gần tuyệt đối tuân thủ 7 việc này để an toàn cho trẻ và cả nhà
Bố mẹ Việt thường cưng chiều con trẻ khi đi ô tô bằng cách cho con đứng ngồi tùy ý, thậm chí nhảy nhót trên xe, mở cửa sổ... Tuy nhiên, những hành động này lại có thể dẫn đến rủi ro khi di chuyển.
Trẻ em vốn dĩ hiếu động, thích khám phá lại chưa hình thành ý thức an toàn đầy đủ như người lớn. Khi chở trẻ em trên ô tô phụ huynh cần nằm lòng những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn tối đa cho con.
Nên có ghế riêng
Theo khuyến cáo của Cục An toàn giao thông quốc gia Mỹ và Học viện nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ em nặng dưới 36kg và cao dưới 1,45m nên có ghế ngồi riêng trên ô tô thay vì chỗ ngồi bình thường của người lớn.
Trẻ em nặng dưới 36kg và cao dưới 1,45m nên có ghế ngồi riêng trên ô tô.
Ghế trên ô tô được thiết kế dành cho người lớn. Do đó, tầm vóc của trẻ em sẽ lọt thỏm trong lòng ghế, khiến trẻ dễ bị xê dịch, lắc lư và dây an toàn không thể thắt gọn.
Chính vì vậy, trẻ em nên có ghế riêng, cài đặt thêm. Ghế trẻ em cần được hướng dẫn lắp đặt đúng cách để cố định vị trí trẻ an toàn. Để vị trí của trẻ luôn được cố định và an toàn nhất, cha mẹ nên đặt bé ngồi ở vị trí sau ghế phụ lái, trên ghế trẻ em phù hợp.
Thắt dây an toàn
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều cần có thói quen thắt dây an toàn. Dây an toàn sẽ tự động giữ chặt người ngồi hoặc ghế ô tô cho trẻ em không bị văng về phía trước khi có va chạm hay tình huống bất ngờ xảy ra.
Cách thắt dây an toàn đúng cách là phần dây nang phải đặt trên đùi trên của trẻ, nhưng không phải dạ dày, phần dây chéo đặt trên vai và ngực chứ không phải là đặt trên cổ. Với cách thắt này sẽ giúp trẻ không gặp nguy hiểm khi có bất cứ va chạm nào.
Khóa cố định kính và cửa xe
Trẻ em trong giai đoạn từ 1 - 5 tuổi rất thích khám phá những vật xung và đặc biệt hay bắt chước những việc người lớn làm. Do vậy khi bố mẹ chở trẻ em trên ô tô cần lưu ý khóa cửa kính và cửa xe ở khóa trung tâm trước khi cho xe di chuyển.
Khi chở trẻ em trên ô tô, tài xế nên khóa cố định kính và cửa xe để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra (Ảnh minh họa)
Không cho trẻ ngồi bệ tỳ tay hoặc ghế trước
Ở nước ta, rất nhiều phụ huynh khi chở trẻ em trên ô tô thường cho trẻ ngồi ở hàng ghế trước, thậm chí còn cho trẻ ngồi vào lòng khi lái xe. Bố mẹ thường nghĩ, mình chủ động lái chậm và an toàn nên “Không sao” nhưng không lường trước sự cố luôn xảy ra bất ngờ.
Vị trí ghế trước thường phải chịu nhiều lực tác động hơn khi va chạm giao thông xảy ra. Hơn nữa, khi có va chạm túi khí sẽ được kích hoạt, đối với người lớn túi khí sẽ có tác dụng giảm chấn, bảo vệ rất tốt, còn với trẻ nhỏ, túi khí đôi khi lại có tác dụng ngược, gây nguy hiểm cho trẻ.
Không cho trẻ đùa nghịch trên xe
Khi trên ô tô, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ ngồi yên một chỗ và thắt dây an toàn để không bị ngã hay va chạm khi xe di chuyển với tốc độ cao và khi xe đổi hướng. Ngoài ra, tài xế nên điều khiển xe ở tốc độ vừa phải, tránh lên ga hoặc đạp phanh bất ngờ để không làm trẻ bị sốc, dễ lao đầu về trước/sau hoặc gây buồn nôn.
Các chủ xe cũng có thể thông báo cho các phương tiện khác trong xe đang có trẻ nhỏ bằng cách dán nhãn “Baby in car” hay "Có trẻ em ở trên xe”.
Trẻ không được đùa nghịch trên xe để tránh bị ngã khi xe đổi hướng (Ảnh minh họa)
Che nắng cho trẻ
Vào những ngày hè, dù xe có điều hoà nhưng ánh nắng mặt trời chiếu vào da trẻ qua lớp cửa kính vẫn rất nguy hiểm cho làn da non nớt. Do đó, nên chuẩn bị áo khoác, đồ dùng tránh nắng cho trẻ trong quá trình di chuyển.
Đặc biệt với mỗi hành trình dài, cha mẹ cần lên lịch trình phù hợp, có nhiều điểm dừng đỗ để trẻ ra ngoài hút thở không khí trong lành, chạy nhảy tái tạo năng lượng.
Không để trẻ một mình trên xe
Trẻ em thường có tính tò mò, hiếu động. Vì vậy khi để trẻ trên xe một mình, trẻ có thể đạp nhầm ga, gạt cần số khiến xe di chuyển ra đường, lao xuống vực. Hơn nữa, để trẻ ở lâu trong xe có thể dẫn đến ngộ độc khí CO gây tử vong.