Đẩy mạnh Thương mại điện tử trong ngành bán lẻ
Bán hàng đa kênh, kết hợp truyền thống và trực tuyến đã trở thành xu thế tất yếu ở Việt Nam. Xu hướng này sẽ phát triển mạnh thời gian tới để mục tiêu 10 tỷ USD qua thương mại điện tử vào năm 2020.
Đó là khẳng định của bà Hồ Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 8.12.2016 tại Hà Nội.
Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam”
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, không có nước nào như Việt Nam, điện thoại nhiều hơn dân số, nhiều người có tới 2-3 chiếc điện thoại. Công nghệ kỹ thuật số tạo một tiền đề rất lớn cho các nhà bán lẻ. Trước đây, bán lẻ chỉ ở thị trường nội địa, nay bán lẻ đã tác động đến cả hoạt động xuất nhập khẩu hay các hoạt động thương mại quốc tế.
Bán hàng đa kênh đã trở nên phổ biến, kinh doanh trực tuyến trong bán lẻ đã là xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước như FPT, Hapro, Vingroup, Viettel… đều đang tận dụng các yếu tố mới vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình như công nghệ di dộng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật. Ranh giới của kinh doanh thương mại điện tử trong bán lẻ sẽ dần bị xóa nhòa. Bán lẻ kiểu thuần túy đơn kênh, chỉ bán tại cửa hàng hoặc chỉ bán trực tuyến sẽ dần biến mất và con đường rộng mở cho bán hàng đa kênh.
Tại hội thảo các đại biểu cũng đồng tình với quan điểm, tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn bởi Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm; Tốc độ phát triển Internet trên 50%; Doanh thu tiếp thị trực tuyến tăng từ 26 – gần 330 triệu USD trong giai đoạn 2010 – 2015. Dự tính năm 2020, doanh thu tiếp thị trực tuyến sẽ đạt 1,8 tỷ USD, tăng gấp 5,5 lần năm 2015...
Tuy nhiên, 80% người mua sắm trực tuyến Việt Nam vẫn có thói quen đặt hàng qua mạng, nhận hàng rồi mới giao tiền mặt. Hình thức thanh toán này gây khó khăn rất lớn cho việc mở rộng và hoàn thiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ nói chung của Việt Nam đạt trên 9,5%. Trong đó, tỉ trọng của bán lẻ truyền thống chiếm tới 80%, bán lẻ hiện đại chiếm 20%. Điều đáng nói, trong kênh bán lẻ hiện đại, tỉ trọng bán lẻ thương mại điện tử chiếm tỉ trọng thấp chỉ khoảng 2,8%.
“Chính Phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Đây là mục tiêu khá tham vọng nhưng chúng ta sẽ đạt được” Bà Hồ Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Ba Thoa đã chứng minh sự lạc quan của thương mại điện tử qua ngày mua sắm online Fridayvừa diễn ra. Sự kiện này năm 2015, có 2.000 doanh nghiệp tham gia, thì 2016 đã tăng lên 3.000 doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp lớn và nhiều ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng này để hội nhập và phát triển, xây dựng kế hoạch, định hướng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử qua trước hết là website và các chương trình giới thiệu trực tuyến.
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 150 đại biểu, gồm giám đốc marketing và chiến lược, các nhà quản lý, doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp hàng hóa, cung cấp dịch vụ và cả các nhà đầu tư của VN.
PV