Đàn ông mặt rộng thường 'thành kiến và hung hăng'
Nhóm nghiên cứu Đại học Delaware, Mỹ cho hay những người đàn ông có gương mặt rộng, ngắn hơn bình thường có xu hướng thể hiện thành kiến chủng tộc nhiều hơn và ít quan tâm hơn tới việc mình bị người khác đánh giá ra sao.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người đàn ông có khuôn mặt ngắn và rộng có nhiều khả năng thể hiện thành kiến chủng tộc. Hình dạng mặt này vốn được chứng minh là biểu hiện mức độ hoóc môn nam tính testosterone cao hơn trung bình và có liên quan đến những hành vi hung hăng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Delaware tin rằng, những người đàn ông có gương mặt rộng thường không dễ cúi đầu trước áp lực xã hội.
Đàn ông có gương mặt rộng thường không dễ khuất phục trước áp lực xã hội.
Eric Hehman – người đứng đầu nghiên cứu – cho rằng: “Phân biệt chủng tộc là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Có những áp lực xã hội buộc người ta phải tỏ ra khách quan. Nhưng các cá nhân có cái tôi lớn, tính cách mạnh dường như sẽ không quan tâm tới việc mình có tỏ ra thành kiến hay không, hoặc sẽ kiềm chế bản thân ít hơn trong việc thể hiện quan điểm thành kiến của mình nếu có”.
Những đối tượng nam giới tham gia nghiên cứu được hỏi về mức độ sẵn sàng của họ khi thể hiện các hành động phân biệt chủng tộc và về áp lực mà họ cảm thấy trước các quy chuẩn xã hội. Câu trả lời được đối chiếu hình của những đối tượng này, đi kèm với số đo tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều cao gương mặt của họ (fWHR).
Kết quả chỉ ra rằng những người đàn ông có gương mặt rộng, ngắn hơn bình thường có xu hướng thể hiện thành kiến chủng tộc nhiều hơn và ít quan tâm hơn tới việc mình bị người khác đánh giá ra sao.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: khám phá của họ không ám chỉ rằng đàn ông cứ mặt ngắn và rộng thì chắc chắn sẽ thành kiến chủng tộc, mà là họ sẽ có xu hướng thể hiện những thành kiến đó rõ ràng hơn nếu có.
“Không phải tất cả những người có fWHR cao đều thành kiến, và tất cả những người có fWHR thấp đều không thành kiến” – Tiến sĩ Hehman cho biết. “Bạn nên nghĩ đó là ‘tác dụng phụ’ của ưu thế xã hội: những người đàn ông có chỉ số fWHR cao hơn có thể sẽ chẳng thèm quan tâm người khác nghĩ gì về mình”.
Chỉ số fWHR (tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều cao gương mặt) của một số nam diễn viên nổi tiếng.
Một nghiên cứu thứ hai cho thấy trên thực tế, con người có nhận thấy tỉ lệ này và dùng nó dể quyết định người khác có xu hướng thành kiến hay không. Trong nghiên cứu này, một nhóm khác nhìn vào ảnh của những người tham gia nghiên cứu đầu tiên – họ đánh giá rằng những người có gương mặt ngắn và rộng thì phân biệt chủng tộc nhiều hơn.
Hai nghiên cứu đã góp phần khám phá ra rằng con người cảm nhận và kết luận khá chính xác tính cách bên trong dựa trên hình dáng bên ngoài. Hehman nhận định: “Nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng đầu tiên về một cách ước tính khuôn mặt không chỉ dự đoán các thái độ xã hội quan trọng và gây tranh cãi như thành kiến mà còn dùng để đưa ra những đánh giá chính xác”.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science.
Lam Lan (Theo Dailymail)