Đàn ông hói đầu yếu sinh lý đúng không?
Nhiều người cho rằng đàn ông hói đầu dễ bị yếu sinh lý hơn những người đàn ông bình thường. Vậy, điều này có đúng không?
Mặc dù chỉ mới 26 tuổi nhưng anh Mạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã bị rụng tóc suốt 3 năm, trong khi lông ngực, tay, chân vẫn rất rậm rạp.
Đáng nói, nam thanh niên này tâm sự rằng, từ khi bị rụng tóc anh cũng bị suy giảm ham muốn trong chuyện ấy.
Dù là vợ chồng son mới cưới được vài năm, thế nhưng tần suất quan hệ hiện nay của Mạnh giảm đáng kể, quan hệ vợ chồng không còn mặn mà như xưa, bản thân cảm thấy rất bất lực.
Mạnh lo ngại mình bị rối loạn hormone sinh dục nam nên dẫn đến các vấn đề đang gặp phải.
Chia sẻ về trường hợp trên, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Trung ương cho biết, qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho hay cách đây 3 năm anh bắt đầu bị rụng tóc vùng trán và 2 bên thái dương. Tóc rụng và từ từ mỏng đi trông thấy, sau khi kết hôn thì tình trạng tóc rụng càng nặng hơn.
Hiện tại chân tóc bị thụt lùi lại tạo thành hình chữ "M" đặc trưng, tóc mỏng dần ở đỉnh đầu, thường dẫn đến hói đầu một phần. Ngoài ra, bệnh nhân cũng chia sẻ rằng bố anh cũng bị hói đầu sớm.
Vị bác sĩ nhận định, với nam giới, đặc biệt với người khoảng 20 tuổi, nguyên nhân gây rụng tóc, hói đầu chủ yếu do di truyền.
"Nếu gia đình có ông bà, bố mẹ bị rụng tóc thì nguy cơ con trai bị rụng tóc khá cao, có thể gấp đôi người bình thường. Ngoài ra còn những yếu tố khác như chế độ sinh hoạt, các chất kích thích, thuốc lá… cũng thúc đẩy nhanh quá trình hói đầu ở nam giới", bác sĩ Thành phân tích.
Bác sĩ Tiến Thành thăm khám cho một bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Về vấn đề rụng tóc do rối loạn nội tiết tố, chuyên gia này giải thích thêm, khi tuổi càng cao, nồng độ hormone testosterone càng suy giảm, trong khi đó hormone dihydrotestosterone lại gia tăng mạnh mẽ.
Sự gia tăng bất thường của hormone dihydrotestosterone làm ảnh hưởng đến sự liên kết của các thụ thể ở nang tóc, khiến nang tóc khó phát triển hoặc ngừng tăng trưởng. Hậu quả tóc dễ rụng nhưng khó mọc trở lại, lâu ngày dẫn đến hói đầu. Rụng tóc do nội tiết tố androgen chiếm khoảng 85% các trường hợp rụng tóc ở nam giới.
Theo BS Tiến Thành, về cơ bản chưa ghi nhận mối liên hệ giữa hói đầu với tình trạng yếu sinh lý của nam giới. Thậm chí, các thầy thuốc còn ghi nhận những trường hợp hói đầu nhưng khả năng sinh lý còn mạnh mẽ hơn.
"Một số người có biểu hiện nội tiết tố nam rõ ràng như rậm râu, mọc lông nhiều nơi trên cơ thể như ngực, tay, chân, đặc biệt là tăng tiết tuyến bã như da đầu bóng, tiết nhiều dầu lại có biểu hiện rụng tóc kiểu hói sớm hơn nam giới khác", BS Tiến Thành khẳng định.
Đáng nói, trước khi đến thăm khám, Mạnh đã tự mua các loại thuốc trôi nổi trên mạng để tự điều trị.
BS Tiến Thành cho hay, đây cũng là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân bị rụng tóc. Thông thường phải đến khi tình trạng chuyển nặng bệnh nhân mới tìm đến cơ sở y tế để thăm khám. Điều này khiến việc điều trị sẽ phức tạp hơn so với khi bệnh mới khởi phát.
Cũng theo BS Tiến Thành, rụng tóc ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ nên nhiều người đã bỏ ra số tiền lớn và thời gian dài để áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, có người thành công nhưng cũng có người không, khiến cho tình trạng rụng tóc, hói đầu ngày càng tệ hơn.
Hiện có rất nhiều phương pháp có thể điều trị được tình trạng rụng tóc, hói đầu, từ thuốc uống đến thuốc thoa, cùng các liệu pháp điều trị liệu trình điều trị mesotherapy, ánh sáng trị liệu, RF… để kích thích nuôi dưỡng các nang tóc hoặc có thể áp dụng các biện pháp phẫu thuật như cấy tóc.
Tuy nhiên hiệu quả điều trị còn tùy thuộc vào tình trạng hói đầu của bệnh nhân, trình độ chuyên môn và tay nghề của các bác sĩ.
Do đó người bị rụng tóc, hói đầu cần đến các cơ sở uy tín có bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất.
"Tùy thuộc vào phương pháp điều trị áp dụng, nguyên nhân và mức độ hói đầu của mỗi cá nhân mà hiệu quả điều trị cũng như thời gian sẽ thay đổi.
Thường các vấn đề liên quan đến tóc thì thời gian điều trị sẽ có thể kéo dài lên đến một vài tháng, chứ không thể nào mong có kết quả trong vài ngày", BS Tiến Thành lưu ý.