Thứ sáu, 22/11/2024 23:58     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 14/03/2022 09:25

Thanh Hóa: Chưa hoàn thiện thủ tục, Công ty Định An vẫn khai thác đất san lấp

Chưa hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, cho thuê đất nhưng Công ty TNHH Định An vẫn tiến hành bóc phong hóa, làm đường vào mỏ, khai thác, vận chuyển đất san lấp thi công đường cao tốc Bắc – Nam.

Phản ánh đến Gia đình Việt Nam, một số hộ dân sinh sống dọc tỉnh lộ 505B, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Nông Cống và Như Thanh cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều xe trọng tải lớn chở đất san lấp đi qua khu vực này khiến con đường bị cày xới, bụi bay mù mịt.

“Nhiều ngày qua, từng đoàn xe nối dài chạy cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi phải đóng cửa để chống bụi bay vào nhà. Thi thoảng họ có tưới nước để hạn chế bụi nhưng có tưới cũng không lại được” – một người dân sống ven tỉnh lộ 505B cho hay.

DA2

Một số hộ gia đình phải che chắn nhà cửa để chống bụi. Ảnh: QD

Theo quan sát của phóng viên, một số hộ dân dọc hai bên đường đã phải dùng bạt, vải và một số dụng cụ che chắn để tránh bụi bay vào nhà. Đến sáng 12/3, hoạt động khai thác, vận chuyển đất đã tạm dừng nhưng vẫn xuất hiện máy xúc (dán logo Định An Group) đang hoạt động tại đường vào khu mỏ. Tại khu vực mỏ, một quả đồi lớn đã bị bạt để lại dấu tích nham nhở.

DA6

Chưa được cho thuê đất nhưng hiện trường dự án đã ngổn ngang như công trường. Ảnh: QD

Chưa hoàn thành thủ tục đất đai đã tiến hành khai thác

Dự án khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 5372/QĐ-UBND ngày 27/12/2021; được cấp giấy phép khai thác khoáng sản ngày 10/1/2022.

Chủ đầu tư là Công ty TNHH Định An, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Diện tích mỏ được cấp phép là 17,7 ha. Thời hạn khai thác đến ngày 25/8/2023 nhằm mục đích cung cấp vật liệu phục vụ thi công gói thầu số XL12: Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 – Km364+410,75, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc là đất trồng rừng sản xuất đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh giao khoán cho các hộ gia đình. Theo quy định, diện tích rừng trồng phải thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dự án khai thác đất san lấp làm vật liệu xây dựng.

Cong van DA

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án. Ảnh: QD

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện Như Thanh phải chỉ đạo UBND xã Xuân Phúc quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất. Giấy phép khai thác cấp cho Công ty TNHH Định An cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, Công ty TNHH Định An vẫn ngang nhiên khai thác đất, vận chuyển đất san lấp phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai.

DA3

Máy xúc gắn logo Định An Group xuất hiện tại công trường. Ảnh: QD

Ông Lê Xuân Điệp, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Xuân Phúc kiểm tra, lập biên bản, báo cáo UBND huyện Như Thanh.

“Sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, yêu cầu doanh nghiệp đưa máy móc về nơi tập kết. Hiện trạng đất đang trồng keo thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tỉnh đang thực hiện.”, ông Điệp thông tin thêm.

Đảm bảo tiến độ nhưng phải đúng quy định pháp luật

Trên cơ sở báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, ngày 8/3, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Định An dừng mọi hoạt động khai thác, làm đường vận chuyển đất khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất và thuê đất với UBND tỉnh Thanh Hóa tại khu mỏ đất thuộc xã Xuân Phúc. Văn bản của UBND huyện Như Thanh nhận định: việc làm trên của Công ty TNHH Định An là vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản.

Trao đổi với PV Gia Đình Việt Nam, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết từ tối 11/3, ông đã yêu cầu doanh nghiệp đã tạm dừng việc hoạt động làm đường vào mỏ và khai thác, vận chuyển đất san lấp. Theo ông Dũng, huyện đã chỉ đạo các các phòng ban của huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và công ty TNHH Định An hoàn thiện thủ tục càng sớm càng tốt để đưa công trình vào hoạt động phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam.

“Các bước, các thủ tục phải đẩy nhanh để đưa mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ có thể là làm ngày làm đêm, rút ngắn thời gian, phối hợp thật tốt để rút ngắn thủ tục nhưng phải đúng theo các văn bản chỉ đạo và quy định của pháp luật. Quan điểm của huyện là ủng hộ dự án, không kìm hãm, cản trở gì cả. Cái gì không đúng quy định thì phải làm cho đúng, tất cả cũng vì việc chung là đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc. Không phải chỉ riêng nhà thầu thi công mà các cấp chính quyền từ trung ương đến, huyện, xã đều mong muốn sớm có đường cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Dũng chia sẻ.

Doanh nghiệp từng đề nghị bỏ qua hàng loạt thủ tục

Công ty TNHH Định An có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Lào Cao, tỉnh Lào Cai là một trong 3 doanh nghiệp thuộc liên danh nhà thầu trúng thầu thi công gói thầu số XL12: Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 – Km364+410,75, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Giá trị trúng thầu của gói thầu gần 1.194 tỷ đồng.

Trong quá trình xin cấp phép khai thác mỏ đất san lấp phục vụ thi công gói thầu nói trên, doanh nghiệp này từng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa bỏ qua, nợ và gộp hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, khai thác khoáng sản như: bỏ quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư, nợ thủ tục đánh giá tác động môi trường, bỏ thủ tục trồng rừng thay thế, gộp thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất vào 1 thủ tục…nhưng không được chấp thuận. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đồng ý cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục xuống còn ít nhất 2/3 thời gian theo quy định để phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam.

Việc tiến hành khai thác mỏ đất san lấp tại xã Xuân Phúc khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo nhận định của UBND huyện Như Thanh là vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản. Hành vi vi phạm này liệu có bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xử phạt?

Gia Đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Quang Duy

Xem thêm