Thứ sáu, 17/05/2024 15:17
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 30/05/2017 15:42

Con đẻ và con nuôi có được phép kết hôn với nhau?

Nếu yêu nhau, sau này chúng tôi có thể kết hôn được không thưa luật sư? Liệu có trái pháp luật không?

Năm tôi lên 4 tuổi cũng là lúc mẹ tôi mang thai em gái tôi. Cả ba người trong gia đình đều háo hức mong chờ sự ra đời của em gái nhưng có lẽ tôi là người sốt ruột nhất. Tôi luôn muốn được trải nghiệm cảm giác làm anh để chứng tỏ cho bố mẹ thấy rằng mình không còn bé nữa. Ngày mẹ đi đẻ, tôi không được đi theo mà được bố mẹ gửi ở nhà cô bạn thân của mẹ tôi. Vì thời điểm mẹ tôi mang bầu và sắp sinh, bố tôi được công ty giao nhiệm vụ phụ trách chi nhánh trong Nam 5 năm. Tôi và mẹ theo bố vào đây nên khi mẹ sinh ngoài bố ra thì không còn người thân nào khác.

con-de-va-con-nuoi-co-duoc-phep-ket-hon-voi-nhau-giadinhonline.vn 1

Bố mẹ tôi đặt tên em là Thu Hiền. Tôi rất thích chơi với em gái. Chơi với em nhiều, bỗng nhiên một ngày, tôi để ý thấy ánh mắt của mẹ nhìn Hiền có vẻ khang khác. Chúng tôi đùa vui như thế, không hiểu sao trông mẹ thật buồn. Nhưng, một lần tình cờ đi ngang qua cửa phòng bố mẹ, nghe thấy tiếng mẹ nức nở cùng tiếng bố an ủi, vỗ về, tôi mới biết được sự thật rằng Hiền không phải là con đẻ của bố mẹ. Tôi bàng hoàng đẩy cửa vào. Nhìn thấy tôi, bố mẹ không giấu được vẻ mặt hoảng hốt. Tôi gặng hỏi, cuối cùng, mẹ cũng kể cho tôi nghe sự thật, rằng khi mẹ tôi sinh em gái tôi ra, thì mặt em đã tím tái và không còn thở nữa.

Vì nước ối của mẹ cạn nhanh quá mà mãi vẫn chưa được đưa vào phòng đẻ nên em tôi đã không chờ được đến lúc ra ngoài. Đúng lúc mẹ tôi đang đau khổ và tuyệt vọng thì ngoài hành lang, tiếng khóc của một đứa trẻ con ré lên khiến mẹ chú ý. Hóa ra là một bé gái vừa bị bỏ rơi. Mẹ tôi thầm trách móc người đàn bà độc ác đã nhẫn tâm bỏ lại đứa con dứt ruột đẻ ra như thế này, trong khi mẹ lại vừa mất em tôi. Bế đứa bé lên, mẹ dỗ dành cho nó nín khóc. Thấy tội nghiệp cho đứa bé và khát khao cảm giác được làm mẹ thêm một lần nữa, mẹ quyết định nhận nuôi em bé này.

Ngoài bố mẹ tôi ra, không ai biết được sự thật này. Ông bà, cô dì, chú bác đều đinh ninh rằng mẹ tôi đã sinh ra một đứa bé kháu khỉnh như vậy. Kể sự thật cho tôi nghe, mẹ tôi dặn dò tôi không nên nói chuyện này cho ai biết. Tuy Hiền không phải là ruột thịt của chúng tôi, nhưng mẹ tin đấy là món quà mà ông trời đã bù đắp cho mẹ khi mẹ không may mất đi đứa con gái yêu quý. Mẹ yêu và thương em như con đẻ. Tôi dạ dạ vâng vâng rồi hứa với mẹ sẽ đối xử tốt với Hiền.

con-de-va-con-nuoi-co-duoc-phep-ket-hon-voi-nhau-giadinhonline.vn 2

Hiền lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ tôi. Còn tôi, khi biết rằng Hiền không phải em gái ruột của mình, tôi không hề tỏ ra xa lánh. Ngược lại, tôi càng chăm sóc em nhiều hơn. 18 năm trôi qua, Hiền bây giờ đã trở thành cô gái mới lớn xinh đẹp, đáng yêu… Tôi vẫn quý mến Hiền, nhưng càng lớn, tôi càng thấy cảm xúc trong mình mỗi khi đối diện với Hiền thật khác. Tôi chưa từng có bạn gái, bởi với tôi, chẳng đứa con gái cùng lớp nào lại bằng được Hiền. Rồi không hiểu sao mỗi lần bạn bè tôi tụ tập, bảo rủ người yêu đi cùng thì lúc ấy, cô gái duy nhất xuất hiện trong đầu tôi là Hiền.

Nhận ra được tình cảm khác lạ này, tôi cảm thấy đầu óc mình rối bời. Làm sao tôi lại có thể yêu “em gái” mình? Bố mẹ tôi từ trước đến nay vẫn coi chúng tôi là anh em ruột. Còn với Hiền, tôi là một người anh trai tốt. Tôi thực sự không biết phải làm thế nào với tình cảm đang lớn dần lên của mình. Làm sao tôi có thể chôn chặt nó khi mà hàng ngày tôi cứ phải đối mặt với người con gái tôi yêu? Nếu yêu nhau, sau này chúng tôi có thể kết hôn được không thưa luật sư? Liệu có trái pháp luật không?

→ Chia tài sản và con chung khi không đăng ký kết hôn

Phi Hùng (TP. HCM)

Luật sư tư vấn:

Theo Luật hôn nhân và gia đình, con đẻ và con nuôi không thuộc vào trường hợp cấm kết hôn, song phải bảo đảm đủ các điều kiện pháp luật quy định. Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, pháp luật cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính.

Đối chiếu với điều luật trên, con đẻ và con nuôi không thuộc vào trường hợp cấm kết hôn. Do đó, về nguyên tắc, bạn và người em nuôi có thể kết hôn với nhau song phải bảo đảm các điều kiện về kết hôn mà pháp luật hôn nhân và gia đình quy định.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình, nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau: Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này...

Theo đó, điều kiện để bạn và người em nuôi được kết hôn với nhau là:

- Về độ tuổi: bạn phải từ 20 tuổi trở lên, người em nuôi từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, luật không bắt buộc bạn phải từ đủ 20 tuổi trở lên, người em nuôi phải từ đủ 18 tuổi trở lên, do đó, chỉ cần bạn đã bước sang tuổi 20, người em nuôi đã bước sang tuổi 18 là có thể kết hôn mà không bị coi là vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn.

- Về tính tự nguyện: Việc kết hôn phải do bạn và người em nuôi tự nguyện quyết định, không bên nào bị ép buộc, lừa dối, cũng như bị cưỡng ép, cản trở. Ví dụ, ép buộc bằng đe dọa dùng vũ lực hay vật chất, một bên lừa dối mình bị bệnh hiểm nghèo, mất khả năng sinh lý…

- Về các trường hợp cấm kết hôn: bạn và người em nuôi không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo phân tích ở trên.

Tóm lại, nếu bạn và người em nuôi của bạn đủ điều kiện về độ tuổi và tính tự nguyện theo quy định nêu trên, hai anh em bạn đủ điều kiện kết hôn với nhau và việc kết hôn đó được pháp luật công nhận khi thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, đây là trường hợp kết hôn khá “đặc biệt” nên bạn cũng cần lưu ý đến tập quán địa phương cũng như tranh thủ được sự ủng hộ của cha mẹ để việc kết hôn được thuận lợi, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc sau này.

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc)

Tags:
  • Tin liên quan
Xem thêm