Thứ ba, 23/04/2024 19:56
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 26/12/2021 08:00

Con cái có quyền đòi nợ thay cho cha mẹ không?

Khi cha mẹ không thể tự mình thực hiện việc đòi nợ, có thể để con cái thực hiện quyền đòi nợ thay theo hai trường hợp.

Hỏi:

Bố mẹ tôi cho một người bạn vay tiền từ năm 2010 với tổng số tiền cho vay là 100 triệu đồng không có lãi. Từ đó đến nay họ vẫn chưa trả bố mẹ tôi đồng nào. Xin hỏi tôi là con cái liệu tôi có quyền đòi nợ cho bố mẹ không?

Nguyễn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội)

Quy định về việc con cái đòi nợ thay cha mẹ

Trả lời:

Trong trường hợp này, nếu bố mẹ bạn không thể tự mình thực hiện việc đòi lại số tiền đã cho vay thì bạn có thể đại diện thực hiện quyền này theo hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, con cái đòi nợ cho cha mẹ với tư cách đại diện theo uỷ quyền

Doi-no01

Con cái có quyền đòi nợ thay cho cha mẹ không (Ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo uỷ quyền:

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Như vậy, trong trường hợp này bố mẹ bạn có thể uỷ quyền cho bạn thực hiện việc yêu cầu thanh toán nợ vay với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền. Ngoài ra, cần lưu ý về tư cách của người uỷ quyền và người được uỷ quyền:

- Đối với người ủy quyền: nội dung ủy quyền phải phù hợp với điều kiện chủ thể trong giao dịch ( bên ủy quyền phải là chủ sở hữu tài sản)

- Đối với bên được ủy quyền: phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

Cụ thể, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai, cha mẹ chuyển giao quyền thanh toán nợ vay cho con cái

Căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015, Điều 365 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu như sau:

“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này".

Như vậy, trong trường hợp này bố mẹ của bạn có thể thực hiện chuyển giao quyền đòi nợ cho bạn theo thoả thuận nhưng khi bố bạn chuyển quyền đòi nợ cho bạn thì bạn phải thông báo bằng văn bản, thông báo việc chuyển nhượng quyền đòi nợ cho người vay được biết.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

PV  
Xem thêm