Chân Nguyên thiền sư - ngọn đuốc sáng của Phật giáo Việt Nam
Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726), còn có pháp danh Tuệ Đăng là cây đuốc rực rỡ của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 17. Ông là người đã có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm.
Thiền sư Chân Nguyên tên thật là Nguyễn Nghiêm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chuyện kể rằng, khi đọc Tam Tổ Thực Lục – cuốn sách kể về ba vị tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm, tới câu chuyện về tổ thứ ba là Huyền Quang từ bỏ chức trạng nguyên để đi tu, cậu bé Nguyễn Nghiêm khi ấy 16 tuổi đã quyết định từ bỏ việc học hành, quyết tâm đi tu với lý do: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lẫy lừng mà còn chán sự công danh, huống hồ ta chỉ là một chú học trò nhỏ”.
Tuy nhiên, mãi 3 năm sau đó, khi đã 19 tuổi, Nguyễn Nghiêm mới dứt bỏ được tất cả sự níu kéo cản trở của gia đình và xuất gia, học với thiền sư Chân Trú tại chùa Hoa Yên, pháp danh Tuệ Đăng.
Sau đó không lâu, Chân Trú qua đời. Tuệ Đăng bèn cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm tu hạnh đầu đà, du phương để tham vấn thêm Phật pháp. Sau đó Như Niệm đổi ý, không đi vân du nữa mà về trụ trì chùa Cô Tiên, Tuệ Ðăng bèn lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham học với thiền sư Minh Lương. Từ đây, ông được ban pháp danh là Chân Nguyên.
Tôn tượng thiền sư Chân Nguyên. Ảnh: giacngo.vn
Chân Nguyên từng làm trụ trì hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm là chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, Năm 1692, ông được vua Lê Hi Tông triệu vào cung để tham vấn đạo Phật. Khâm phục tài đức của Chân Nguyên, vua ban cho ông mỹ hiệu Vô Thượng Công và dâng cúng áo cà sa cũng pháp khí để thờ tự.
Năm 1722, ông được vua Lê Dụ Tông phong chức tăng thống và ban hiệu Chính Giác Hòa Thượng. Năm 1726, trong tư thế kiết già, ông tịch và tháng Mười âm lịch, thọ 80 tuổi. Vua Dụ Tông truyền dựng tháp Tịch Quang tại chùa Long Ðộng và chùa Quỳnh Lâm.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, khi tu học với Minh Lương, Chân Nguyên vì được Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt mình mà giác ngộ. Phương pháp này từ đó đã trở thành lối truyền thông ưa thích của Chân Nguyên. Ông cũng nhìn thằng vào mắt của người đối diện để giúp người ấy tìm được sự chứng ngộ.
Nhờ phương pháp truyền dạy đặc biệt này, Chân Nguyên có rất nhiều đệ tử xuất sắc, đặc biệt phải kể đến Thiền sư Như Hiện và Như Trừng. Chân Nguyên cùng các đệ tử của ông đã cứu vãn được nhiều tác phẩm quan trọng của các thiền tổ Trúc Lâm bằng cách sưu tầm, hiệu đính, khắc bản và lưu hành những tác phẩm này, từ đó làm phục hưng phái Trúc Lâm.
Chân Nguyên là một tác gia lớn của nền Thiền học nước nhà; tuy nhiên, tư tưởng của ông vẫn còn chưa được tìm hiểu một cách đích đáng.
Chân Nguyên cho rằng, then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên”, là tính giác ngộ có tính trong sáng tròn đầy của tất cả chúng sinh và chư Phật. Tự tính này hiện hữu một cách bình đẳng nơi mọi loài và mọi vật, không phân biệt trong ngoài trên dưới, và giác ngộ thành đạo chính là phát hiện được tự tính đó.
Đối với Chân Nguyên, tất cả những lời không phát xuất trực tiếp từ kinh nghiệm về tự tính đều là những điều trống rỗng. Ông nhiều lần nhắc lại trong cách tác phẩm của mình rằng phương pháp của thiền khác với phương pháp của giáo, ở chỗ thiền là sự trao truyền của tâm qua tâm, còn giáo là sự trao tuyền bằng kinh bằng lục. Ðọc kinh thì lâu lắm mới hiểu được đạo, trong khi chiêm nghiệm theo lời chỉ dẫn của tổ thì có thể chứng ngộ trong giây phút.
Có thể thấy, quan niệm về Thiền của thiền sư Chân Nguyên có nhiều sắc thái đặc biệt mới lạ. Đó là sự dung hòa giữa hai nền tâm linh của Ấn Độ và Trung Hoa, tổng hợp trở thành tư tưởng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc.
Lam Lan (tổng hợp)