Cách phân biệt triệu chứng do dịch Covid-19 với cảm cúm, cảm lạnh thông thường
Giống như cảm cúm thông thường, dịch bệnh Covid-19 cũng gây nên những triệu chứng thông thường dễ gây nhầm lẫn với nhau. Vậy bằng cách nào để phân biệt giữa bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra với bệnh cúm thông thường?
Triệu chứng bị nhiễm virus Covid-19
Trong giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi do Covid-19, các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nghiêm trọng đã xảy ra, ở một số bệnh nhân nhanh chóng phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và các biến chứng nghiêm trọng khác như viêm phổi, phù phổi, suy đa tạng và tử vong.
Ảnh minh họa
Triệu chứng bị cảm cúm và cảm lạnh thông thường
Bệnh cúm có triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ bắp. Trẻ nhỏ khi bị cúm dễ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn, một số trẻ đau bụng, tiêu chảy và thường kèm theo hội chứng viêm long đường hô hấp như hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ho… Cúm được gây ra bởi virus influenza lây truyền từ người sang người.
Ảnh minh họa
Bệnh cảm lạnh có các triệu chứng điển hình là ho, sổ mũi, kém ăn và đau họng. Đây là một nhóm các triệu chứng ở đường hô hấp trên do hơn 200 loại virus gây ra. Virus lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng từ người sang người hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường kéo dài khoảng một tuần và virus này dễ lây lan trong thời gian nhiễm bệnh.
Phân biệt rõ nhất bệnh do virus COVID-19 và cảm cúm, cảm lạnh
Ảnh minh họa
Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus COVID-19 và cảm cúm, cảm lạnh đều có biểu hiện chung của sốt và các dấu hiệu của viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố dịch tễ và diễn tiến của bệnh các bác sĩ sẽ có căn cứ để phân biệt ba bệnh này.
Thông thường cảm cúm hay cảm lạnh chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ và sẽ hết trong vòng 5-7 ngày.
Do đó, với ca bệnh nghi nhiễm COVID-19 cần phải đi khám ngay và thực hiện cách ly đúng quy định. Nếu có các dấu hiệu mệt nhiều, đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ dấu hiệu nặng nào khác đi kèm, cần tái khám ngay.
Trong thời gian bị bệnh, bao gồm cả cảm lạnh, cảm cúm bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ăn trái cây và rau cải có chứa nhiều vitamin A, C, D, E.
Ngoài việc hạ sốt kịp thời khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ như aspirin và corticoid.
Bên cạnh đó, cần phải tiến hành sát khuẩn và vệ sinh khu vực có người bệnh để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
->5 thói quen giúp nâng cao sức đề kháng trong mùa dịch