Cà phê tẩm hóa chất từ pin con Ó, lo lắng khi sự việc không phải lần đầu
Vụ việc 12 tấn cà phê tẩm hóa chất từ pin con ó vừa được phát hiện thêm một lần nữa khiến dư luận hoài nghi và lo lắng về sự an toàn của thực phẩm trên thị trường.
Những vụ việc cà phê tẩm hóa chất bị phát hiện gây xôn xao dư luận
Uống cà phê trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người nhưng những ai đang coi cà phê như thú vui tao nhã chắc sẽ cảm thấy ghê rợn khi mới đây cơ quan chức năng phát hiện sự việc động trời liên quan đến đồ uống nhiều người thích này.
Theo đó, mới đây, 12 tấn cà phê được nhuộm đen bằng pin con ó đã được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan có địa chỉ nằm trên địa bàn.
Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp duy nhất, bởi thực tế có rất nhiều vụ việc cà phê tẩm hóa chất bị phát hiện khiến dư luận xôn xao.
Chảo dùng để nấu caramen nơi cơ quan chức năng phát hiện một số lượng lớn cà phê, đậu nành và các phụ gia chưa rõ nguồn gốc xuất xứ (Ảnh: NLĐ)
Cà phê tẩm hóa chất ngay giữa Vũng Tàu
Theo Người Lao Động, sáng 24/3/2016, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở rang cà phê tại số 268, đường Trương Công Đinh, TP Vũng Tàu và phát hiện một số lượng lớn cà phê, đậu nành và các phụ gia chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở rang cà phê trên do ông Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và các giấy tờ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các loại phụ gia được sử dụng bên ngoài có ghi caramen, đường, muối, rượu, hương vị cà phê, vani, bơ và một số lượng lớn hạt đậu nành và hạt cà phê. Các phụ gia phía bên ngoài có ghi Tiếng Việt nhưng không có hạn sử dụng. Chủ cơ sở cũng chưa xuất trình được những giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cơ sở của ông Hòa nằm trong khu dân cư nhưng không đảm bảo các quy định bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ông Hòa cũng có một tiệm bán cà phê xay, cà phê hạt ngay trong trung tâm TP Vũng Tàu. Được biết, cà phê sau khi được rang tại cơ sở của ông sẽ được đóng gói và bán ra thị trường.
Bất chấp việc bị phạt vẫn tiếp tục chế biến cà phê "bẩn" bằng hóa chất độc hại
Tin tức trên Tuổi trẻ cho hay, ngày 19/1/2015, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk (PC49) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê của ông Nguyễn Đình Quang (32 tuổi, thôn 14, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Tại cơ sở này PC49 phát hiện 11 bao đậu nành (250kg), 33 bao hạt bắp (1.500 kg), bốn bao bắp, đậu nành đã rang tẩm hóa chất (120kg), 30kg “cà phê” bột. PC49 cũng thu giữ một gói đường hóa chất Sodium Cyclamate, một thùng đường Caramen, một thùng bơ cùng một số phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cơ sở sản xuất cà phê bột bằng đậu nành, hạt bắp trong điều kiện rất mất vệ sinh - Ảnh: Tuoitre.vn
Tại hiện trường, nhiều máy móc vật dụng để sản xuất cà phê bột của cơ sở này rất mất vệ sinh. Tất cả hoạt động sản xuất từ khâu rang, xay, đóng gói đều được làm dưới nhà xưởng cáu bẩn.
PC 49 yêu cầu kiểm tra các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột nhưng chủ cơ sở không xuất trình được.
Điều đáng nói là trước đó, ngày 27/8/2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT Đắk Lắk) cũng từng kiểm tra, ra quyết định xử phạt cơ sở này số tiền 37,5 triệu đồng về các lỗi nêu trên.
Như vậy, bất chấp việc bị phạt, nguy cơ tổn hại sức khỏe với người tiêu dùng, cơ sở này tiếp tục cho ra thị trường sản phẩm cà phê với 90% nguyên liệu chế biến là đậu nành, hạt bắp cùng với nhiều loại chất hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cơ sở kinh doanh gian lận này phó mặc sự an toàn sức khỏe của người dùng với cà phê bẩn và thách thức các nhà quản lý.
Đậu nành Mỹ tẩm hóa chất thành cà phê Việt
Theo Vietnamnet, đó là lời bộc bạch của người đàn ông tên Nguyễn Văn Thắng (SN 1982, ngụ tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) có thâm niên nhiều năm làm trong lĩnh vực chế biến cà phê bán sỉ cho nhiều mối hàng ở Bình Dương.
Anh Thắng cho biết thêm, một công thức đầy đủ để cho ra thứ bột gọi là “cà phê” bao gồm: Chất tạo hương Socola (có giá khoảng 280 ngàn đồng/kg), N2 (chất tạo hương cà phê), men (chất tạo hương caramen), đường hóa học, chất tạo màu, sữa đục, sữa béo, bơ, muối, CMC (chất tạo bọt, được dùng làm xà phòng) và đậu nành. Muốn làm ra bao nhiêu kilogam cà phê, chỉ cần đẩy số lượng hạt đậu nành lên chừng đó kilogam.
Chẳng hạn, muốn làm ra 500kg cà phê thì trọng lượng đậu nành cần có khoảng 480kg, còn lại là các phụ gia hóa chất để tạo màu, tạo mùi, tạo độ ngậy, độ béo và độ đắng giống y như cà phê thật. Khi chúng tôi thắc mắc hỏi vậy thì cà phê thật chiếm bao nhiêu phần trăm, người đàn ông này chỉ cười và cho hay: “Chiếm 0%”.
Trong số hóa chất đó có CMC - chất được dùng để sản xuất xà phòng, được họ dùng để tạo bọt cho cà phê có nguy cơ gây ung thư cao nhất. Nhiều thực khách không hiểu cứ nghĩ rằng cà phê nguyên chất phải có nhiều bọt, không ai tin đó là bọt hóa chất. Cùng với CMC là chất tạo màu, chất tạo hương vị cà phê có mức độ độc hại không kém. Chất tạo màu có màu đỏ tươi, có độ bám dính rất cao, phải nhiều ngày sau mới phai dần. Những loại hóa chất này được anh Thắng khẳng định đều đặt mua kín đáo tại chợ hóa chất Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh).
Công thức nêu trên chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn công thức để chế biến ra cà phê. Mỗi một cơ sở sản xuất cà phê, dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, đều giữ cho mình một hương vị riêng, đồng nghĩa với việc họ sử dụng một công thức riêng, không thể bị trùng lặp hay nhầm lẫn. Đó là bí quyết, đồng thời cũng là miếng cơm manh áo của mỗi người.
Đa số khách hàng, kể cả những người đứng ra mua sỉ rồi bỏ mối lẻ cho các đại lý nhỏ hơn, các quán cà phê đều không biết loại cà phê mà mình đang mua được chế biến từ đậu nành và phụ gia hóa chất. Bởi vì chúng được làm quá tinh xảo, giống y như thật, chỉ có người sành về cà phê phải thật để ý mới phát hiện ra.
-> Tin mới nhất vụ thầy giáo nghi dâm ô với nhiều học sinh tiểu học tại Hà Nội