Ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội tăng gấp đôi sau 1 tuần với 2 biến chứng
Hà Nội ghi nhận thêm 265 ca tay chân miệng trong tuần qua, tăng gấp đôi so với tuần trước, xuất hiện các ổ dịch tại trường mầm non, mẫu giáo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10 tăng gấp đôi so với tháng 9; 3,5 lần so với tháng 8.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông, Ba Vì, Thanh Xuân. Ngoài ra, trong tuần, thành phố cũng phát hiện thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại Sóc Sơn và Đống Đa.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, không có ca tử vong.
số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội tăng cao (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc tay chân miệng đã tăng so với các tuần trước, tuy nhiên hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
ThS.BS Đỗ Thị Thuý Nga - Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,…
Cách nhận biết sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.
Những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loé (Ảnh minh họa)
Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà
Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi Tay Chân Miệng, cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị
Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt
- Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ,…
- Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút)
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân
- Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
- Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 86.078 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng 75,4%, số tử vong tăng 18%. Trước bối cảnh này, Bộ Y tế yêu cầu trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày, kể từ khi bệnh khởi phát, nhằm tránh lây lan.