Báo động lũ cấp độ III trên sông Lèn và sông Bưởi tại Thanh Hoá
Tỉnh Thanh Hóa vừa phát lệnh báo động III trên sông Bưởi và sông Lèn. Chính quyền các địa phương được yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống nguy cấp.
Tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, chiều 23/9, mực nước trên sông Lèn tại trạm thủy văn Lèn là (+5.83m), dưới báo động III (BĐ III) là 0,17m.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong 12h tới, mực nước sông Lèn tại trạm thủy văn Lèn có khả năng đạt mức báo động III (+6.00m) vào khoảng 19-21h.
Trước đó vào trưa 23/9, mực nước trên sông Bưởi tại trạm Thủy văn Kim Tân là (+11.51m) dưới báo động III là 0,49m. Theo dự báo, trong 12 giờ tới, mực nước lũ trên sông Bưởi tiếp tục lên. Mực nước tại Trạm Thuỷ văn Kim Tân có khả năng lên mức Báo động III (+12.00m) vào khoảng 19-21h.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phát lệnh báo động III, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hậu Lộc tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê trên địa bàn; sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để xử lý ngay khi có tình huống xấu xảy ra.
Chính quyền các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động đi lại, vớt củi, đánh bắt thuỷ sản ven sông, trên sông; Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và đợt không khí lạnh, từ ngày 21/9 đến ngày 23/9, trên các tuyến Quốc lộ (QL) được giao quản lý xảy ra sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí.
Cơ quan chức năng đã khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện phát cây, dọn đất đá, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu... đảm bảo giao thông. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông,... nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.
Mưa lớn khiến nhiều khu vực đồi núi bị sạt lở, chính quyền các huyện vùng cao Thanh Hóa đã di dời hàng ngàn hộ dân, công bố tình huống khẩn cấp tại 4 huyện.
Mưa lũ ảnh hưởng trực tiếp đến cả các địa phương đồng bằng ven biển như TP. Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa. Chiều 23/9, nước sông Mã đang dâng cao, nhiều hộ dân tại các phường Đông Hương, Đông Hải, Nam Ngạn, Thiệu Khánh (TP. Thanh Hóa) bị ngập. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời các hộ dân ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời cử cán bộ túc trực 24/24h.