5 thói quen âm thầm gây hại não bộ, người Việt hầu hết mắc phải
Để đảm bảo sức khỏe của não bộ, bên cạnh việc thêm các thói quen lành mạnh vào lối sống, con người cần tránh xa một số thói quen xấu gây sa sút trí tuệ.
Bộ não được cho là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người. Cùng với việc kiểm soát và điều phối các hành động và phản ứng, não còn cho phép chúng ta suy nghĩ và cảm nhận - những thứ tạo nên con người chúng ta.
Vì vậy bộ não cần được bảo vệ bằng mọi giá. Bác sĩ tâm thần người Mỹ, chuyên gia về rối loạn não Daniel Amen mới đây đã chia sẻ những thói quen có hại cho não cần tránh.
Ăn quá nhiều đường
Bác sĩ Amen cho biết đường không tốt cho não bộ vì nó gây viêm và là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường.
Ông giải thích: "Ăn quá nhiều đường gây tác động xấu cho cơ thể khi khiến lượng đường trong máu tăng cao, làm xói mòn các mạch máu và giảm lưu lượng máu đến não".
Bác sĩ Amen nói thêm: "Có rất nhiều thứ cần suy nghĩ về đường, đường gây nghiện, gây viêm nhiễm, khiến con người dễ mắc bệnh tiểu đường và béo phì, thậm chí gây ra trầm cảm, mất trí nhớ. Tôi đã công bố ba nghiên cứu trên 35.000 người - khi cân nặng của mỗi người tăng lên thì kích thước thực tế và chức năng của não sẽ giảm đi. Điều đó sẽ khiến ai cũng phải sợ hãi".
Đánh bóng bằng đầu
Một nghiên cứu được công bố năm 2023 trên tạp chí Lancet Public Health cho thấy các cầu thủ bóng đá có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 50% so với phần còn lại của dân số.
Trong đó, các nhà nghiên cứu từ Viện Karolinska ở Thụy Điển đã so sánh hồ sơ sức khỏe của 6.000 cầu thủ bóng đá ưu tú và hơn 56.000 người không phải cầu thủ từ năm 1924 đến năm 2019.
Họ phát hiện trong số các cầu thủ nam Thụy Điển, 9% được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa thần kinh. Ở nhóm đối chứng, tỷ lệ này là 6%.
Vì vậy, nếu không phải cầu thủ chuyên nghiệp cần sử dụng đầu để chơi bóng khi luyện tập, thi đấu thì những người chơi thể thao thông thường nên hạn chế sử dụng đầu để chơi bóng.
Ảnh minh họa.
Lạm dụng caffeine
Nhiều người thường uống cà phê vì caffeine trong thức uống này giúp cơ thể tỉnh táo, mang lại năng lượng cho một ngày dài. Tuy nhiên, theo bác sĩ Amen cho biết uống quá nhiều caffeine làm hạn chế lưu lượng máu đến não và có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ quá nhiều caffeine và tình trạng teo não.
Mặc dù không có mối liên hệ nào giữa caffeine và sa sút trí tuệ, nhưng ông cho biết có mối liên hệ giữa caffeine và các vấn đề về giấc ngủ, đồng thời có mối liên hệ giữa các vấn đề về giấc ngủ và chứng sa sút trí tuệ.
Theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), lượng caffeine an toàn dùng hàng ngày không nên vượt quá 400 mg. Một tách hoặc gói cà phê thông thường có khoảng 70-100 mg caffeine. Như vậy, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 4-5 tách mỗi ngày.
Ảnh minh họa.
Hút thuốc lá
Giống như caffeine, nicotine trong thuốc lá có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, bác sĩ Amen cho biết.
Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Washington, hút thuốc lá khiến não bị co lại. Điều này có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều
Bác sĩ Amen cho biết sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều cũng làm não co lại. Theo đó, trong não con người có một vùng được gọi là nhân não, và chúng phản ứng với dopamine, chúng mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc cũng như mang lại niềm vui, động lực và ý chí.
Ảnh minh họa.
"Khi bạn sử dụng các thiết bị điện tử, từng tiếng noti, từng lần cuộn và bấm like đều khiến bạn có được một chút dopamine. Tuy nhiên, càng làm điều đó, cơ thể càng hao mòn khi nhân não phải hoạt động quá mức”, bác sĩ giải thích.
Nếu một người xem màn hình ba tiếng rưỡi mỗi ngày, đồng nghĩa sẽ làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm, nghiện ngập, béo phì, rối loạn tăng động giảm chú ý.
--> Thói quen âm thầm "phá hủy" thận nam giới thường mắc trong dịp Tết