4 món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán cô dâu mới phải học
Nếu không biết Tết cần nấu món ăn gì để "ghi điểm" với nhà chồng, cô dâu mới cần ghi nhớ những món ăn dưới đây.
Dưới đây là mẹo nấu ăn giúp chị em lấy điểm sau những ngày xa nhà hay nâng cao tay nghề nội trợ cho chính mình.
Giò lụa
Nguyên liệu chuẩn bị
500gr thịt heo xay sẵn. Thịt xay sẵn thường có mỡ và nạc. Không nên dùng thịt nguyên nạc khiến giò rất khô, kém độ ngon.
30gr bột năng hay bột bắp
Gia vị: 1 muỗng canh nước mắm; 1/2 muỗng cà phê bột nêm; 1/2 muỗng cà phê đường; 1 muỗng cà phê bột tiêu trắng (tiêu trắng sẽ làm giò không bị đen).
50ml nước đá lạnh (cần thật lạnh)
15g bột nở
Cách làm giò lụa tại nhà cho ngày Tết Nguyên Đán (Ảnh: Vietnamnet)
Cách làm giò lụa tại nhà
Thịt heo xay cho vào ngăn đá 45 phút. Qua 45 phút lấy thịt ra cho vào máy xay thịt cùng với bột bắp, bột nở, đường, bột nêm, tiêu trắng, nước mắm rồi ấn máy xay 15 giây.
Sau đó cho 1 chút nước đá vào, bấm máy xay 10 giây rồi lại cho thêm 1 ít nước đá nữa. Cứ mỗi đợt máy quay 10-15 giây thì ngưng 1 chút và bấm xay tiếp cho đến khi cho hết nước lạnh và thịt heo chuyển qua máu trắng hồng dẻo và dính là đã đạt được yêu cầu.
Bạn có thể gói bằng lá chuối hay giấy bóng kính. Trải 1 miếng màng bọc thực phẩm xuống bàn.
Sau đó, cho 3 miếng lá chuối to lên, rồi lấy giò sống cho vào giữa. Để giò sống không dính tay bạn thấm vào tay 1 ít nước lạnh.
Nắm hai mép lá chuối và màng bọc thực phẩm lại với nhau, sau đó gói lại (Giống như gói bánh tét).
Gấp 1 đầu giò lại, dựng đứng cây giò lên, cắt bớt phần dư nếu lá dư nhiều. Dùng tay ấn mình giò sống rồi gấp lại. Đầu bên kia bạn cũng làm như thế. Và cột dây dọc.
Bây giờ bạn lăn tròn cho đòn giò tròn tròn rồi cột dây ngang. Cho giò vào hấp 30-45 phút kể từ khi nước sôi. Khi giò chín bạn lấy ra. Lăn đòn giò lên bàn và để ráo nước. Bạn cắt giò lụa ra từng khoanh tròn xếp thành hoa hồng bày ra dĩa cùng với ít dưa leo trang trí viền dĩa cho bắt mắt.
Nem rán
Nguyên liệu chuẩn bị
5-7 cái mộc nhĩ
10 cái nấm hương
200 gram thịt lợn xay
150 gram tôm tươi hoặc bề bề nõn
200 gram thịt bò xay
3-4 quả trứng gà
Su hào, cà rốt, hành tây mỗi thứ 1/2 củ
Hành lá, rau mùi, miến, hạt tiêu, gia vị
Vỏ bánh đa nem khoảng 35-40 cái.
Cách làm nem rán giòn rụm, hấp dẫn (Ảnh: Trungcapdaubep)
Cách làm món nem rán giòn lâu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt lợn, thịt bò xay nhỏ (để tiết kiệm thời gian có thể mua sẵn). Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, thái nhỏ, tôm tươi bạn bóc vỏ băm nhuyễn.
Các loại rau củ quả để làm nem như hành tây, cà rốt, su hào, hành lá, rau mùi, giá đỗ thái và băm thật nhỏ. Cà rốt, su hào thái chỉ, sợi dài khoảng 3 -4 cm.
Ngâm miến trong nước ấm tầm 30 độ C khoảng 5 phút cho mềm rồi cắt ngắn.
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nước nóng cho nở, cắt bỏ phần rễ và chân nấm già, thái nhỏ.
Bước 2: Bạn xếp từng loại nguyên liệu đã chế biến xong vào một cái bát to: thịt bò, thịt lợn xay, tôm, hành tây, su hào, cà rốt, củ đậu, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hành lá, rau mùi.
Bước 3: Đập trứng vào thêm 3 thìa cà phê bột nêm,1 thìa cà phê hạt tiêu trộn thật đều (phần nhân rất quan trọng, không được khô quá và không được ướt quá, nếu ướt quá khi rán nem sẽ hay bị vỡ, khô quá ăn sẽ không ngon.
Bước 4: Để nem được giòn nên pha một thìa nước lọc, một thìa giấm và một thìa cafe đường sau đó khuấy đường cho tan. Khi cuốn nem xoa một ít hỗn hợp này lên bề mặt bánh. Bạn có thể gói nem dài theo cách truyền thống hoặc gói nem hình vuông để thay đổi.
Cho nhân lên miếng bánh đa nem, nắn nhân nem theo hình dài (hoặc vuông) sau đó đặt bề bề lên trên. Gói lần lượt như vậy cho đến hết phần nguyên liệu chuẩn bị.
Bước 5: Bạn cho dầu vào chảo, đợi dầu nóng già cho nem vào rán sơ qua, khi nào ăn rán lại nem sẽ giữ được độ giòn.
Chân giò hầm măng khô
Nguyên liệu chuẩn bị
Chân giò: 1kg
Măng khô: 50g
Hành lá
Hành khô
Gia vị: Nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm, mì chính, dầu ăn.
Cách làm chân giò hầm măng khô cho ngày Tết (Ảnh minh họa)
Cách làm móng giò hầm măng khô
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Chân giò làm sạch chặt miếng vừa ăn, sau đó ướp với nước mắm, mì chính. Cách làm giò heo kho măng khô ngon là chân giò nên ướp trong khoảng 20 – 30 phút cho ngấm gia vị.
Hành khô băm nhỏ, hành lá rửa sạch, thái nhỏ, gốc chẻ thành sợi dài.
Bước 2: Luộc măng
Cách làm chân giò hầm măng khô ngon, không bị đắng đó là trước khi nấu bạn luộc măng và thay nước trong lúc luộc khoảng 2-3 lần, cứ thay nước đến khi nào nước luộc măng trong là được.
Sau đó bạn vớt ra ngoài rổ để ráo nước, thái thành miếng to rồi rửa lại với nước lạnh.
Bước 3: Xào qua thịt chân giò với măng
Bắc chảo lên bếp cho nóng, đổ dầu ăn và hành khô vào phi thơm, cho chân giò đã ướp vào xào qua đến khi thịt săn lại thì cho măng vào xào cùng. Nêm nếm nước mắm, mì chính vào đảo đều.
Bước 4: Ninh chân giò măng khô
Sau khi xào qua cho nước vào ninh chân giò măng khô ở lửa nhỏ để chân giò chín nhừ. Dùng muôi vớt bọt để canh măng giò được trong. Ninh tầm 40 phút cho chân giò chín nhừ thì nêm nếm lại một lần nữa rổi cho hành lá cắt khúc vào và tắt bếp đi là xong.
Dưa hành
Nguyên liệu chuẩn bị
1kg hành củ
Đường hoa mai
Muối
1/2 củ gừng
Mẹo làm dưa hành giòn ngon chống ngấy ngày Tết (Ảnh: Eva)
Cách làm dưa hành đơn giản
Bước 1: Hành chọn loại hành tía, già, đều củ thì sau khi muối hành sẽ ngọt, giòn. Sau khi mua về bạn ngâm hành vào nước gạo trong khoảng vài tiếng cho bụi ra bớt và để lớp vỏ bên ngoài tự bong, khi rửa sẽ sạch đất bám ở gốc hành.
Bước 2: Bóc bỏ lớp vỏ hành bong ở bên ngoài, cắt bớt rễ, để lại gốc hành. Bạn lưu ý không cắt gốc thì sẽ tránh được việc hành bị nhũn, ủng. Để hành ra rổ cho róc nước.
Bước 3: Cho hành vào lọ cùng khoảng 200g muối tinh, xóc đều, để trong khoảng 2 – 3 ngày; thỉnh thoảng xóc đều để hành ra hết nước đen.
Bước 4: Đổ hành ra rổ, để ráo nước. Lúc này phần nước đen đã ráo hết, khi muối hành nước sẽ trong và thơm. Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập. Pha đường hoa mai với nước ấm cùng chút muối. Lúc này bạn chỉ cho ít muối, nêm hơi nhạt vì hành đã có muối rồi.
Bước 5: Đổ nước vừa pha vào lọ, đổ hành và gừng vào khuấy đều, nước phải ngập hành; khuấy đều rồi nếm cho vừa đủ độ mặn ngọt và có mùi thơm của gừng. Nếu thấy nhạt bạn thêm chút muối. Đậy nắp kĩ để khoảng 1 tuần – 10 ngày là ăn được.
Dưa hành ăn cùng thịt kho, bánh chưng hay thịt quay đều rất ngon, khiến những món ăn nhiều đạm của ngày Tết trở nên bớt ngán hơn, hấp dẫn hơn.
->Cách gói bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt không khéo tay cũng thành công