Vì sao cá chép được lựa chọn làm lễ vật cúng ông Táo?
Cá chép hóa rồng tượng trưng cho sự nỗ lực không ngừng, công thành danh toại, phú quý vinh hoa trong văn hóa truyền thống và là lễ vật được chọn để cúng ông Táo.
Trong phong tục cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực.
Theo Chuyên gia văn hóa, phong thủy Nguyễn Hoàng, trong quan niệm của người xưa, Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ là ba vị thần tiên được Trung ương Hoàng Đế phái xuống để làm các vị thần cai quản những gia đình ở hạ giới.
Họ đều là nguyên thần của các vị thần tiên trên trời được nhận sắc lệnh của Ngọc Đế mà xuống cai quản ở trần gian. Họ là đại diện cho thần tiên.
1. Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần: Cai quản đất đai âm trạch và long mạch của gia đình. Ta hay gọi là "Thổ thần thổ địa".
2. Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân: Cai quản toàn bộ mọi sinh hoạt và bếp núc của gia đình. Đây chính là vị thần tấu sớ lên Ngọc Đế. Ta hay gọi là "Thổ công táo quân".
3. Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần: Cai quản toàn bộ việc mua bán hàng hoá đồ ăn thức uống cho gia đình. Ta hay gọi là "Thổ kỳ".
Lễ vật cúng Táo Quân của người Việt gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Ngoài ra còn có vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ.
Đặc biệt, trong ngày cúng ông Táo, người dân còn chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước. Sau khi cúng sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời.
Tại Việt Nam, theo tài liệu của ông Phan Kế Bính ghi lại năm 1915 cho biết, người Việt Nam cúng ông Công ông Táo một con cá chép để làm “ngựa” cho Táo lên trời.
Truyền thuyết có kể, vào một năm, trời hạn hán, vì số Rồng quá ít không đủ làm mưa điều hoà cho khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kì thi kén các vật lên làm Rồng gọi là “Thi Rồng”.
Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thủy Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kì. Mỗi kì vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng.
Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba đuối sức ngã bổ xuống mà lưng đã còng lại.
Đến lượt con cá chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá chép ta trải qua bao gian nan khổ ải, trầy vi tróc vảy, mệt mỏi đau đớn, tưởng chừng không thể vượt qua.
Cuối cùng, với quyết tâm phi thường, khổ tận cam lai, Cá chép vượt được Vũ môn, hóa Rồng, lập tức vẩy, đuôi, râu, sừng mọc đủ, vóc dáng oai linh, liền phun gió táp, mưa sa, muôn loài sung sướng, sự sống hồi sinh.
Chính từ truyền thuyết này nên trong quan niệm truyền thống, cá chép tượng trưng cho sự nỗ lực không ngừng, công thành danh toại, phú quý vinh hoa.