Tại sao các hãng hàng không Việt phấn đấu đạt chứng nhận an toàn khai thác IOSA?
Đạt được chứng nhận IOSA được coi là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình vận hành và phát triển của các hãng hàng không.
Chứng nhận an toàn hàng không uy tín
An toàn bay là “nhiệm vụ tối thượng” của bất kỳ một hãng hàng không nào; đồng thời, đó cũng là tiêu chí hàng đầu mà hành khách đặt ra khi chọn lựa hãng bay. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn bay và chứng minh được năng lực vận hành, khai thác an toàn là điều các doanh nghiệp bay trên thế giới luôn hướng tới. Trong đó, IOSA - chứng nhận an toàn khai thác uy tín hàng đầu – là thành tích mà các hãng hàng không đều mong muốn đạt được.
IOSA (IATA Operational Safety Audit) là Chương trình đánh giá an toàn khai thác của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, bao gồm hệ thống các tiêu chuẩn, quy định và quy trình theo chuẩn quốc tế, nhằm đánh giá năng lực hệ thống kiểm soát và quản lý hoạt động của các hãng hàng không, từ đó kiểm soát khả năng xảy ra tai nạn máy bay.
Chứng nhận IOSA xác nhận mức độ cam kết cao nhất của một hãng hàng không nhằm đảm bảo an toàn khai thác dựa trên bộ tiêu chuẩn của IATA. Việc kiểm tra tiêu chuẩn IOSA được thực hiện 2 năm/lần, bao gồm khoảng hơn 1.000 tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đòi hỏi các công tác chuẩn bị kĩ càng về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, thời gian, cũng như những tài liệu, thông tin theo yêu cầu.
Quy trình đánh giá IOSA được thực hiện độc lập bởi đơn vị chuyên gia do IATA cử đến, triển khai toàn diện tại các bộ phận vận hành của hãng hàng không như: Hệ thống quản lý và tổ chức hãng, Vận hành bay, Kiểm soát vận hành – Điều hành bay, Kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay, Hoạt động vận tải, An ninh vận hành, các hoạt động trong khoang máy bay và Dịch vụ mặt đất.
Theo thống kê, kể từ khi IOSA được áp dụng, các hãng hàng không đạt chứng nhận này có hồ sơ hoạt động an toàn hơn gấp 4 lần so với những hãng không có chứng nhận. Năm 2017, tỷ lệ tai nạn của những hãng HK đạt chứng nhận IOSA là 0,56/1 triệu chuyến bay, thấp hơn gần 4 lần so với tỷ lệ 2,17 tai nạn/1 triệu chuyến bay của các hãng bỏ qua kiểm tra IOSA.
Cơ hội trở thành thành viên của IATA
Đạt được IOSA cũng là tiêu chuẩn hàng đầu cho việc xem xét tư cách thành viên Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA - tổ chức chuyên môn uy tín, đại diện quốc tế về hàng không dân dụng, với thành viên hiện tại gồm 297 hãng hàng không đến từ hơn 120 quốc gia, trong đó có các hãng hàng không lớn trên thế giới như: American Airlines, British Airways, China Airlines, Cathay Pacific, Air Canada, Delta Airlines, Emirates, Atlantic Airways… Năm 2019 có 19 hãng hàng không thành viên gia nhập Hiệp hội này.
Trong đó, Qatar Airways - hãng hàng không được Skytrax bình chọn là hãng tốt nhất thế giới năm 2019 - là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới hoàn thành Chương trình đánh giá an toàn khai thác IOSA ngay sau khi Chương trình này lần đầu ra mắt năm 2003.
Chứng nhận IOSA chỉ có hiệu lực trong vòng 24 tháng, nếu một thành viên chính thức của IATA không đủ khả năng duy trì hiệu lực chứng nhận IOSA thì IATA sẽ đưa ra khỏi danh sách thành viên.
Trở thành thành viên của IATA giúp một hãng hàng không gia tăng độ uy tín khi được quốc tế công nhận, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện phát triển thuận lợi. IATA luôn duy trì quan điểm thống nhất, đưa ra tiếng nói chung và duy nhất thay cho các thành viên của Hiệp hội. Đồng thời, IATA cũng giúp định hướng các ưu tiên của ngành, xúc tiến thực hiện những đổi mới, các chiến dịch truyền thông, hoạt động đào tạo và các dịch vụ khác, cũng như giảm chi phí cho các quy trình kiểm định không cần thiết đối với hãng hàng không thành viên.
Các hãng hàng không Việt Nam đạt IOSA
Tại Việt Nam, an toàn bay luôn là yếu tố được đề cao hàng đầu bởi các cơ quan quản lý và các hãng hàng không nội địa. Cục Hàng không Việt Nam và các hãng đều ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, và sự phát triển mạnh mẽ về cả lượng và chất của ngành hàng không Việt Nam trong những năm vừa qua.
Theo thống kê, trong năm 2019, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã điều hành bay an toàn ước đạt 963.000 chuyến, tăng 7% so với năm 2018. Việt Nam cũng được trang Airlineratings.com – trang web uy tín thế giới đánh giá nằm trong top đầu quốc tế về an ninh, an toàn hàng không.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để các hãng hàng không Việt Nam được đánh giá cao nhất về an toàn là việc các hãng luôn nỗ lực phấn đấu sở hữu Chứng nhận an toàn khai thác IOSA, gần đây nhất là Bamboo Airways – một hãng hàng không mới hoạt động chưa đầy một năm nhưng đã đạt Chứng nhận IOSA.
Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner
Lịch sử cho thấy tại Việt Nam, các hãng hàng không thường mất nhiều năm hoạt động mới đạt được Chứng nhận này. Với nỗ lực này từ một hãng hàng không mới, nhiều chuyên gia đánh giá Bamboo Airways đang tích cực chứng minh cam kết đặt an toàn bay làm yếu tố quan trọng hàng đầu trong lộ trình phát triển xuyên suốt của Hãng. Việc đạt IOSA được xem là cột mốc quan trọng, khẳng định năng lực vận hành khai thác an toàn, cũng như sự hội nhập quốc tế nhanh chóng của Bamboo Airways.
“Chúng tôi chúc mừng Bamboo Airways đã vượt qua một cuộc kiểm định vô cùng nghiêm ngặt, với tới 1.000 tiêu chuẩn quốc tế được IATA thiết kế nhằm nâng cao an toàn hàng không thế giới. Việc đạt được chứng chỉ quan trọng này thể hiện cam kết của Bamboo Airways trong việc đảm bảo an toàn hàng không – yếu tố quan trọng hàng đầu của ngành,” ông Conrad Clifford, Phó chủ tịch IATA khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định.