Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Con trai hay con gái đều là niềm hạnh phúc của gia đình”
Chia sẻ về câu chuyện sinh con trai hay con gái nhân ngày Gia đình Việt Nam, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, đối với anh con trai hay con gái đều là niềm hạnh phúc.
Nhà văn, BLV Thể thao Trương Anh Ngọc từng gây bão trên mạng xã hội về những phản pháo gay gắt xung quanh quan điểm “sinh con trai để được điểm 10” kèm hastag “ngungvoduyen”. Là một người nổi tiếng được nhiều người biết đến lại chỉ có một cô con gái, cũng chính vì thế mà BLV Trương Anh Ngọc không tránh khỏi việc trở thành "nạn nhân" trong những câu chuyện xoay quanh vấn đề đó.
Nhà văn, nhà báo Trương Anh Ngọc là gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình, đặc biệt là ở các chương trình bóng đá.
Dòng chia sẻ từng nhận được rất nhiều phản hồi đồng tình từ bạn bè và người hâm mộ có đoạn: “Với mình, điều đang khiến mình không thể chịu nổi là cái kiểu đi đâu (dù ở nước mình, hay đã ở nước ngoài rồi), cũng bị người mình hỏi, tại sao không đẻ nữa, sao không làm thêm đứa con trai cho được điểm 10, sao không nghĩ đến trách nhiệm với gia đình và xã hội bằng việc đẻ nữa... 16 năm qua kể từ ngày mình có con gái, những câu hỏi như thế ban đầu khiến mình hơi khó chịu và trả lời cho xong, nhưng sau này, chúng làm mình rất bực tức, và dù có trả lời theo kiểu ngoại giao, tránh né hoặc nói thẳng, thì những người hỏi cứ lờ tịt đi, hỏi tiếp, hỏi nữa, hỏi mãi, nhiều khi cứ gặp nhau là hỏi…”
Thực tế, đối nhiều người người, những áp lực kể trên dường như đã trở thành một phần trong cuộc đời của họ, nhất là khi họ là những người phụ nữ “sinh con một bề”. Với nhà văn - nhà báo Trương Anh Ngọc, anh có cách “đối phó” của riêng mình và anh gọi những kẻ đang tạo ra những thứ áp lực đó là những kẻ “vô duyên”.
Trong cuộc trò chuyện với báo Gia đình Việt Nam nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, nhà văn - nhà báo Trương Anh Ngọc đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm quan niệm sinh con trai, con gái.
Anh nghĩ thế nào về quan niệm phải sinh con trai cho “đủ nếp đủ tẻ”, có con trai để "nối dõi"?
Nhà báo Trương Anh Ngọc từng trở thành "nạn nhân" của những câu hỏi như "Sao không đẻ con trai?"
Theo tôi, đó là một quan điểm cực kì cũ kĩ và lạc hậu. Thế kỉ 21 và loài người đã tiến ra vũ trụ rồi mà vẫn còn có những người có tư tưởng như thế thì thật buồn.
Đối với tôi, việc có con, và có bao nhiêu con, con gái hay trai, thực ra là 1 niềm hạnh phúc lớn của gia đình, trước tiên là của người mẹ và người cha sinh thành ra bọn trẻ. Tôi không tán thành quan điểm phải có con trai thì mới có nếp có tẻ, phải có như thế mới được điểm 10.
Không ai và không xã hội nào có quyền áp đặt suy nghĩ như vậy lên người khác trong việc người ta đẻ, và càng là một điều vô duyên nếu cứ nhăm nhăm hỏi han người khác về chuyện đó.
Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ đã để lại rất nhiều hậu quả đối với xã hội chúng ta trong nhiều năm qua, dẫn đến mất cân bằng về giới và tạo ra những quan điểm kì thị về giới.
Trong những chia sẻ của mình, anh từng cho biết, đã nhận được rất nhiều những câu hỏi vô duyên về việc sinh con? Anh có thể chia sẻ một câu chuyện cụ thể và anh đã phản ứng ra sao?
Tác giả "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" thường có cách phản pháo thẳng thắn khi nhận được những câu hỏi về việc sinh con
Tôi thường phản ứng rất dữ dội trước những câu hỏi như vậy. Lúc đầu thì chỉ cười, sau đó tôi trả lời bằng thái độ mạnh mẽ hơn. Và cuối cùng thì bây giờ không ai dám hỏi tôi nữa rồi (Cười).
Trước đây, tôi có nhận được một tin nhắn theo kiểu chỉ trích của một bác trung niên. Bác ấy viết, tôi là con trai trưởng, không đẻ con trai để nối dõi là "chưa hoàn thành trách nhiệm với cha mẹ và tổ tiên".
Con gái nhà văn - nhà báo Trương Anh Ngọc năm nay gần 16 tuổi, đang học tập và sống tự lập ở nước Anh xa xôi. Cô bé có khả năng nói 4 thứ tiếng và rất giống bố ở sở thích đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Với cô con gái nhỏ, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết, bản thân anh không đặt bất cứ một áp lực nào lên vai con. Điều duy nhất anh mong muốn, đó là con sẽ thành người tốt, tử tế và có ích cho xã hội.
“Bố mong con sống hạnh phúc, hạnh phúc với những lựa chọn của mình dù có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này!”, nhà báo Trương Anh Ngọc tâm sự với con gái.
Tôi trả lời: "Thưa chú, cháu không nghiện hút, chẳng nhậu nhẹt, không bê tha, không vượt đèn đỏ, chưa từng đi tù, nộp thuế đầy đủ, đi khắp đó đây để viết và truyền bá các tư tưởng về sống đẹp, về sự tử tế, liệu như thế có phải cảm thấy xấu hổ với cha mẹ và tổ tiên không ạ?".
Người đàn ông trả lời: "Theo quan điểm của tôi, nhà cậu vẫn phải đẻ thêm". Mình trả lời: "Đấy là quan điểm của chú, và cháu không cần chú sống hộ cháu, áp đặt quan điểm của chú cho cháu". Người đàn ông im lặng, và rồi sau đó không thấy trả lời nữa.
Trong chuyện này, chẳng ai đúng ai sai, mà vấn đề nằm ở quan niệm và lối sống. Nhưng điều quan trọng là sự tôn trọng. Mình tôn trọng và không áp đặt quan điểm của mình lên họ, tại sao họ không tôn trọng sự lựa chọn chỉ đẻ một con (và là con gái của mình) và cứ áp đặt chuyện "trách nhiệm" lên mình?
Tại sao tôi “phải” đẻ trong khi tôi thấy có một đứa như thế là đủ và tôi hạnh phúc vì điều này, trong hoàn cảnh sống của tôi? Tại sao các người không quan tâm đến chính mình đi và tìm cách nào đó để sống cho tốt hơn?”.
Anh sẽ nói gì với rất nhiều những người phụ nữ vẫn đang ngày ngày phải chịu những áp lực vô hình từ câu chuyện “sinh con một bề”, “không biết đẻ” chỉ vì sinh toàn con gái…?
Hãy kiên định với những lựa chọn của mình, bởi mình sống cho mình, chứ không sống để chiều lòng thiên hạ.
Và anh sẽ nói gì với những người đàn ông coi chuyện đẻ con trai là nhiệm vụ phải hoàn thành của một người vợ? Thực tế, có rất nhiều gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thậm chí bạo lực gia đình, hôn nhân tan vỡ chỉ vì không có con trai “nối dõi”?
Tôi có lần đã thẳng thắn nói với một người đàn ông rằng, tại sao cứ phải có con trai mới có thể chống gậy, và tại sao cứ phải chống gậy? Con gái không phải là con hay sao? Tại sao phân biệt đối xử con trai và con gái? Con trai với các vị là vàng ngọc, con gái thì là gì, là bùn à? Vậy anh sinh ra từ đâu, và từ ai? Anh nói tôi xem, từ bụng bố anh chắc? Anh nói thế là anh xúc phạm đến mẹ anh rồi! Và người nọ im bặt.
Nước Ý qua ống kính nhà báo Trương Anh Ngọc
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể cho họ trả lời bằng cách cho họ thấy, con gái mình tuyệt vời thế nào? Nếu ai đó nói rằng, con tôi là con gái, tôi không biết đẻ, tôi sẽ cho họ biết con tôi có thể làm được những điều tuyệt vời như thế nào!
Xin cảm ơn nhà báo Trương Anh Ngọc về cuộc trò chuyện!
Trương Anh Ngọc được biết đến là phóng viên quốc tế, biên tập viên thể thao, bình luận viên bóng đá, phóng viên thể thao, nhà văn và nhiếp ảnh gia. Anh kết hôn với một người bạn cùng nghề và có một cô con gái sinh năm 2003.
Quan tâm đến mọi vấn đề trong xã hội, chính vì thế mỗi bài viết, bài chia sẻ của Trương Anh Ngọc đều mang những chiều sâu nhất định, có những tác động tích và nhận được sự yêu mến của bạn bè và người hâm mộ