Người phụ nữ hơn 40 năm làm công việc cứu người đuối nước trên sông Hồng
Hơn 40 năm nay, bà Trần Thị Bình coi công việc cứu người chết đuối trên sông Hồng như “cái nghiệp” trời giao và nhờ bàn tay bà mà bao nhiêu sinh mạng đã được cứu sống.
Hơn 40 năm làm “nghề” cướp cơm Hà Bá
Bà Trần Thị Bình sinh năm 1954 ở thôn Hồng Ngự, xã Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là con út trong gia đình nghèo, nhà có mấy đời sống bằng nghề chài lưới trên sông nước. Dân sông nước, suốt ngày lênh đênh trên bến dưới thuyền, trôi dạt nay đây mai đó.
Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên bà chỉ học đến hết lớp 3 rồi lớn lên đi làm thuê đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng cuối cùng cuộc sống cũng chỉ quanh quẩn với mạn thuyền, chùm lưỡi câu, tay lưới. Bến đỗ là dòng sông Hồng cuồn cuộn, đục ngầu với nghề chính vẫn là nghề chài lưới như cha ông để lại. Nhưng cũng chính từ cơ duyên với nghề đã dẫn bà đến với công việc bốc mộ, khâm liệm tử thi và vớt xác, cứu người.
Ngót ngét từ đó đến nay đã hơn 40 năm kể từ khi bà “học nghề" bốc mộ từ chính người cha của mình rồi kiêm luôn cả vớt xác, cứu người đuối nước, khâm liệm tử thi.
“Nói việc cứu người, bốc mộ, khâm liệm tử thi mà tôi đang làm là nghề thì không đúng bởi nó không thường xuyên và không đảm bảo được cuộc sống cho tôi. Mình làm theo cái tâm, ai trả công cho bao nhiêu thì mình lấy chứ không đòi hỏi” – bà Bình cho biết.
Duyên “nghề” đến với bà Bình khi mới 14 tuổi. Khi đó, trong một lần giăng lưới ven sông bất thần bà nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một người dân vọng lên từ khúc sông phía dưới “có người nhảy sông tự tử …”. Thế là bà Bình tức tốc chạy ngay đến chỗ người phụ nữ đang chới với giữa lòng sông và may mắn cứu được chị ấy.
Đấy là một một phụ nữ đang mang thai. Hỏi ra mới hay vì người chồng phụ bạc nên chị ấy cùng quẩn trong suy nghĩ mà tìm đến cái chết. May mắn mẹ và con được cứu sống. Cũng từ lần đó, hễ có ai chết đuối, nhảy cầu khi nghe được hung tin là lập tức bà Bình có mặt giúp đỡ.
Bà Bình kể lại: “Hồi tôi còn bé cha thường dặn, mình sống trên sông thì không được cứu, vớt người đuối nước vì làm như thế sẽ bị Hà Bá trừng phạt. Nhưng tôi đã không giữ đúng lời. Biết người gặp nạn mà không ra tay cứu giúp là thấy ân hận lắm. Cứu được một mạng người bằng xây mười tòa tháp. Mỗi lần nhìn gia cảnh của người bị nạn khóc lóc, nài nỉ, tôi lại thấy động lòng.
Con người ta sinh ra, sống chết đều có số cả. Tôi cũng quan niệm về chuyện sông có “Hà Bá”. Vì thế, để tránh những tai ương cho gia đình sau này, mỗi lần vớt được một xác chết hay cứu sống một mạng người là tôi lại làm lễ để cúng bái. Lễ lạt đơn giản, một hình người (bằng giấy) đem đốt trên sông hoặc thả cho nó trôi để “thế mạng” cho Hà Bá. Một ít hoa quả và tiền, vàng mã. Những thứ này gia chủ phải chuẩn bị, do tôi làm lễ”.
Vì cứu người trót mang biệt danh "Bình rượu"
Người trong khu vẫn hay gọi bà Bình với cái tên hài hước là bà “Bình rượu". Về biệt danh này bà Bình giải thích, "Tôi hay uống rượu bằng bát nhưng không nhiều đến mức như người ta kháo nhau. Tôi uống được 3 bát rượu mà không say. Vì thế người ta hay gọi tôi là “Bình rượu”".
Không phải bà Bình nghiện rượu, theo cách giải thích thì bà chỉ uống rượu trước khi bắt đầu chuẩn bị bốc mộ, khâm liệm tử thi. Như thế là để tránh đi mùi tử thi ngấm vào người.
Ngoài việc cứu người đuối nước trên sông, bà Bình còn chữa khỏi được căn bệnh “đậu lào” và cứu được rất nhiều người.
Loại bệnh này người ta gọi là bệnh thương hàn biến chứng. Khi bị bệnh, ai không biết để lâu, không chữa trị kịp thời dễ chết như chơi. Bà Bình học được cách chữa căn bệnh này từ người bà nội. Thuốc chữa bệnh là thuốc gia truyền tự “chế” được, cũng chẳng mất nhiều tiền mua.
Theo bà Bình, chỉ cần một lá trầu không với ít rượu và chiếc kim khâu, một ít bột ăn dành cho trẻ con là có được thuốc chữa được loại bệnh trên. Đơn giản thế mà đã cứu sống được nhiều người. Điều đặc biệt, bà Bình không lấy tiền của người bệnh, có chăng họ đến cảm ơn bà bằng gạo, đường sữa, bánh kẹo.
Đã 40 năm nay bà Bình vẫn làm công việc cứu người trên sông, khi hỏi về số người được bà cứu người phụ nữ này đã không thể nhớ chính xác con số bao nhiêu chỉ biết con số đó là không nhỏ bỏi mỗi lần mùa mùa lũ thì dòng sông Hồng như ác mộng đối với cuộc sống của người dân ven sông.
Nửa đời người làm công việc không tiền công, không tăng giá cuộc sống của người phụ nữ này vẫn nghèo hoàn nghèo nhưng lúc nào bà Bình cũng thấy vui bởi đơn giản bà coi công việc mình đang làm là để làm phúc, “hầu hạ”cõi âm như một định mệnh mà bà được giao phó.