Thứ ba, 29/04/2025 11:18     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 19/11/2014 18:19

"Ngoài kiến thức, giáo thọ sư phải truyền dạy kinh nghiệm tu"

Người xuất gia không phải chỉ có tu mà cũng cần phải học tập. Không chỉ học kinh điển mà cả các kiến thức bên ngoài. Tuy nhiên, giáo thọ sư (người tu đi dạy - PV) ngoài việc truyền dạy kiến thức phải hướng dẫn tăng ni sinh kinh nghiệm tu tập.

Đây là những chia sẻ mà sư cô Thích Nữ Liễu Pháp, giảng viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam dành cho Báo điện tử Gia Đình Việt Nam nhân ngày 20/11.

quotngoai-kien-thuc-giao-tho-su-phai-truyen-day-kinh-nghiem-tuquot-giadinhonline.vn 1

“Tôi cho rằng công việc chia sẻ kiến thức cho người khác cũng là một thiện pháp” sư cô Thích Nữ Liễu Pháp

Chia sẻ kiến thức là một thiện pháp

Vì sao Sư cô đến với con đường giảng dạy trong Phật giáo?

Thật ra tôi xuất gia sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Anh Văn của Trường đại học Sư phạm Huế. Trước đó, tôi rất thích nghề dạy học nên chọn học sư phạm vì nghĩ đó là một nghề rất cao quý và thích hợp với mình.

Tôi thích sự hồn nhiên, vui vẻ mà làm giáo viên thì “đối tác” của mình sẽ là những em học sinh trẻ trung, yêu đời… và đặc biệt là tôi sẽ sống trong một môi trường lành mạnh, nhẹ nhàng của trường học.

Trong thời gian học đại học, tôi lại có duyên quen với thầy Thích Thái Hòa, một vị tăng sĩ của Phật giáo. Tôi thấy thầy không ăn chiều, hay nhập thất, không giữ tiền…

Cuộc sống của thầy nhẹ nhàng như một bài thơ, khiến tôi cảm thấy muốn xuất gia, nhưng thầy nói đợi tốt nghiệp hãy đi. Từ đó, tôi hay đến chỗ thầy học giáo lý, đồng thời giúp thầy dạy anh văn cho các chú trong chùa…

Tôi cho rằng công việc chia sẻ kiến thức cho người khác cũng là một thiện pháp, cho nên việc giảng dạy không chỉ là một nghề mà cũng là một cách để tu dưỡng bản thân.

Cô có thể kể về lần đầu tiên đứng lớp được không ạ? Lúc đó cô đã dạy ở đâu và môn gì ạ? Cảm xúc lúc đó thế nào?

Vì tôi tốt nghiệp đại học xong là đi xuất gia liền nên tôi chưa có cơ hội giảng dạy ở các trường học bên ngoài, ngoại trừ những lần đi kiến tập hay thực tập.

Vào chùa thì cũng có dạy Anh văn và Hán văn cho quý cô trong Ni viện, nhưng đó chỉ là các lớp gia giáo.

quotngoai-kien-thuc-giao-tho-su-phai-truyen-day-kinh-nghiem-tuquot-giadinhonline.vn 2

Việc đi dạy giúp tôi đọc nhiều và đào sâu kiến thức mới

Lần đứng lớp chính thức đầu tiên của tôi là khi dạy môn Pali ở lớp Cao học tại Khoa Phật Học, Đại Học Delhi.

Hồi đó tôi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Pali, nên giáo sư chủ nhiệm khoa mời tôi làm phụ giảng, dạy một môn cho lớp.

Sinh viên khá đông, phần lớn là tăng ni sinh các nước Thailand, Myanmar, Sri Lanka, Vietnam v.v…

Đa số quý sư rất giỏi Pali, đều là những vị giáo thọ sư ở nước họ, nên khi dạy mình phải rất thận trọng. Tuy nhiên cũng rất vui, vì được sinh viên ủng hộ, đặc biệt là tăng ni sinh Việt Nam.

Họ bảo tôi giảng rõ ràng, chi tiết, dễ nắm bắt bài. Ngoài ra tôi cũng có dạy ở lớp Diploma Pali (tương đương với chứng chỉ B ở Việt Nam), cho các sinh viên người Ấn Độ.

Nói chung vừa học vừa dạy thì mệt nhưng rất vui và bổ ích vì mình phải đọc nhiều và đào sâu kiến thức mới có thể đứng lớp một các tự tin và được sinh viên chấp nhận.

Hiện cô đang tiếp tục giảng dạy ở đâu và môn gì?

Hiện nay tôi đang giảng dạy tại Khoa Phật Pháp Anh Ngữ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.

Trong Khoa này, các môn học đều được giảng bằng tiếng Anh, khi thi các sinh viên phải viết bằng tiếng Anh và bài tiểu luận cũng vậy.

Tôi dạy môn Words and Origin cho sinh viên năm thứ 3 và môn Bilingual Translation cho sinh viên năm thứ tư.

Ngoài ra tôi còn dạy môn Văn học Phật giáo - Pali tạng cho lớp Cao học và Khoa Đại Cương.

Ở Thiền Viện Viên Không nơi tôi đang thường trú thì tôi dạy Kinh tụng Pali, văn phạm Pali, Luật và Vi Diệu Pháp cho Ni chúng (khoảng 20 vị).

Ngoài ra tôi có mở một lớp học Pali hàm thụ trên mạng dành cho những người muốn học Pali nhưng không có điều kiện đến trường hay đến chùa. Còn có lớp LearningPali trên diễn đàn Paltalk, mở từ 8h đến 9h tối thứ hai, tư, sáu mỗi tuần.

Các bài giảng được lớp học thâu âm và đăng trên youtube để những người không tham gia lớp học cũng có thể download về nghe.

quotngoai-kien-thuc-giao-tho-su-phai-truyen-day-kinh-nghiem-tuquot-giadinhonline.vn 3

Việc giảng dạy không chỉ là một nghề mà cũng là một cách để tu dưỡng bản thân

Giáo thọ sư phải có công phu tu tập

Cô thấy việc giáo dục Phật giáo hiện nay ra sao?

Hiện nay hệ thống giáo dục Phật giáo đã dần đi vào hệ thống toàn quốc. Hầu hết các tỉnh đều có trường sơ cấp và trung cấp Phật học, cả nước có 3 học viện Phật giáo rải khắp 3 miền. Các giáo thọ sư phần lớn đều có trình độ và kinh nghiệm giảng dạy.

Tuy nhiên vẫn chưa có sách giáo khoa chính thức cho các trường, mà các giáo sư tự chọn giáo trình riêng, nên trình độ của học viên rất chênh lệch.

Hiện nay Ban Giáo dục Tăng Ni Trung Ương đang tiến hành biên soạn sách giáo khoa từ sơ cấp đến Đại học.

Hy vọng rằng với sự ra đời của bộ sách giáo khoa này, chương trình giáo dục Phật giáo của cả nước sẽ được đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp.

Việc giảng dạy trong nhà chùa cô thấy điều thuận lợi và khó khăn gì so với bên ngoài?

Trong các trường Phật học, phần lớn giảng viên và học viên đều là người xuất gia, nên mối quan hệ thầy trò dường như thân mật hơn, và cách dạy cũng “dễ chịu” hơn các trường bên ngoài.

Việc dạy và học ở bên ngoài thường mang tính cạnh tranh, nên cả thầy và trò đều căng thẳng hơn.

Giáo dục Phật giáo đúng nghĩa thì tu và học song hành, không quan trọng điểm số và bằng cấp.

Nhưng cũng chính vì vậy khó khăn ở chỗ tăng ni sinh chưa đầu tư hết thời gian và sức lực vào việc học như sinh viên bên ngoài nên chất lượng cũng bị ảnh hưởng.

Theo cô điều gì cần thiết trong công tác giáo dục của Phật giáo?

Theo tôi, trong công tác giáo dục Phật giáo, “tri hành hợp nhất” (PV – kiến thức và thực hành là một) là điều rất quan trọng. Một vị không nghiêm trì giới luật mà đứng lớp dạy Luật, hay một vị không hành thiền mà hướng dẫn thiền, thì không những không có tác dụng mà còn tác hại.

Một vị giáo thọ sư không chỉ trao truyền kiến thức mà còn phải truyền thụ cho học trò kinh nghiệm tu hành và cách ứng xử trong cuộc sống, vì vậy đòi hỏi họ phải có nội hàm (PV – công phu) tu tập mới có thể thân giáo (PV – đem bản thân ra giảng dạy), là cách giáo dục lý tưởng trong Phật giáo.

quotngoai-kien-thuc-giao-tho-su-phai-truyen-day-kinh-nghiem-tuquot-giadinhonline.vn 4

Một vị giáo thọ sư không chỉ trao truyền kiến thức mà còn phải truyền thụ cho học trò kinh nghiệm tu hành và cách ứng xử trong cuộc sống

Trong quá trình dạy, người nào ảnh hưởng đến cô nhất ạ?

Sinh viên. Làm sao để sinh viên hiểu bài, lắng nghe ý kiến của họ, giúp đỡ họ những lúc họ gặp khó khăn hay cần tư vấn.

Tùy theo trình độ của sinh viên, tôi sẽ chọn những nội dung và phương pháp giảng dạy thích hợp nhất.

Cô có thể chia sẻ một chút về tâm tư của mình với các bạn trẻ, Tăng Ni sinh trong dịp 20/11 này?

Là một nhà giáo, điều tôi quý nhất ở học sinh là sự hiếu học, tính trung thực, và lòng tri ân.

Điều nhức nhối nhất với tôi hiện nay là hiện tượng tăng ni sinh quay tài liệu trong phòng thi. Tôi không chấp nhận được hành động đó ở một tu sĩ, dù là tăng ni sinh trẻ.

Khi dạy học, tôi luôn cho học sinh câu hỏi ôn tập cụ thể rõ ràng, chỉ cần chịu khó học bài là có thể đủ điểm trung bình. Tôi sẵn sàng thông cảm với các em không đủ điểm phải thi lại, chứ không mong rằng mọi người phải đạt điểm cao.

Mong sao các tăng ni sinh luôn nhớ rằng mình là người xuất gia, chính đời sống đạo đức trong sạch của mình mới là điều khiến cho hàng cư sĩ tôn kính cúng dường.

Mọi người phải cố gắng giữ gìn giới luật trong mọi hoàn cảnh để khỏi phụ lòng thầy tổ, giáo thọ sư cùng chư đàn na tín thí. Cầu mong quý vị tăng ni sinh hiện giờ sẽ là rường cột vững chắc cho Phật giáo nước nhà trong tương lai.

Xin cảm ơn cô!

Giác Minh Chương

Tags:
Xem thêm