Ngày Tết nói chuyện bếp lửa và “người giữ lửa”
Có người ví, hôn nhân như căn bếp, ấm lạnh do người giữ lửa. Nhân ngày tết, lại nói chuyện về bếp lửa và người giữ lửa.
Ngày nay, thật khó mà tìm thấy những ánh lửa bập bùng rực rỡ ở đâu đó nơi chúng ta đi qua. Bếp lửa, dường như chỉ còn là ký ức đối với một số người lớn tuổi và chỉ là trong thơ ca đối với những người trẻ tuổi. Ngay cả việc cảm nhận hơi ấm của nó đến giờ đối với nhiều người cũng chỉ là ký ức hay là sự tưởng tượng.
Một ngày cuối năm, tôi trở về quê một mình, trong cơn nắng ấm dang dở của một ngày cuối đông, đầu xuân. Mẹ tôi bảo, hôm nay nhà hết bình ga mà chưa gọi được người mang đến, cho nên mẹ sẽ nhóm lửa ở ngoài cổng để nấu cơm, đun canh.
Ngọn lửa được nhóm lên, ánh sáng bập bùng của nó mới rực rỡ làm sao. Cái nóng rực của nó khi ta đến gần rất khác so với cái ấm của điều hòa hai chiều hay chiếc chăn điện, máy sưởi trong những căn chung cư cao tầng. Có một cảm giác rất xưa chợt ùa về, mang theo những nuối tiếc của một thời bếp lửa.
Mẹ nấu cơm bằng bếp lửa với những cái nồi cũ thừ thời xưa cháy đen đáy mà mẹ cất trên gác cả chục năm trước. Mâm cơm dọn ra, mùi thơm ngậy của gạo trắng, mùi chanh thơm lừng vắt lên bát canh rau muống… mấy anh chị em xúm lại háo hức đợi mẹ xới cơm ra bát đặt trên mâm nhôm cũ.
Hình ảnh mẹ ngồi bên bếp lửa cháy đỏ rực ùa về trong ký ức xưa (Ảnh minh họa)
Tôi chợt nghĩ, trong buổi chiều tà cuối đông này, không biết có bao nhiều người đàn ông đang hối hả đi trên những con đường đông đúc để về với mâm cơm gia đình? Cũng có bao nhiêu người đàn ông lòng trùng xuống, cố nấn ná trên những đoạn đường tắc nghẽn để chậm về tới nhà? Cái bếp đối với mỗi người quả là có khác nhau. Người thì muốn về để thưởng thức sự ấm áp của nó, người thì nghĩ đến sự nguội lạnh của cái bếp mà thà ở ngoài đường còn hơn trở về nhà.
Cuộc sống là vô vàn những sắc thái. Ấm hay lạnh đều do người nhóm lửa, giữ lửa mà ra. Hôn nhân phải chăng cũng tựa như căn bếp, ấm cúng hay lạnh lẽo, rộn rã hay buồn tẻ phụ thuộc vào những người thích quây quần trong nó. Trong căn bếp ấy, trong cuộc hôn nhân ấy, dù phụ nữ có là nữ chủ nhân thì việc cời than, nhóm lửa, việc giữ ấm và nêm gia vị cho tròn đều, vừa vặn vẫn mãi mãi phải cần cả hai người. Ấm hay lạnh, thấu hiểu, vô tâm, quan tâm hay hờ hững, những nồi niêu xoong chảo, những món ăn được đặt lên bàn, những hành động, cử chỉ xung quanh cái bếp và bàn ăn sẽ nói lên tất cả.
Trước đây, người ta cho rằng phụ nữ luôn là người giữ lửa dù phụ nữ không phải sinh ra đã tự có lòng yêu thích nấu nướng. Chẳng phải ai là phụ nữ cũng đủ khéo léo để nấu một món ăn ra trò chỉ từ một tờ công thức khô khan. Nhưng ngọn lửa trong gia đình lại cứ phải để người phụ nữ nhóm, giữ. Nếu không đủ ấm, thì là lỗi của nàng. Ngày nay, người ta nghĩ thông thoáng hơn, lửa trong gia đình là phải cả hai người cùng nhóm lên, cùng giữ lấy.
Không phải ngày nào tỉnh dậy, họ cũng cảm thấy yêu tha thiết người đang nằm bên cạnh mình. Có nhiều khi, họ sẽ chán ngấy như chán bát cơm vừa mới xới ra, chán mấy món ăn dọn sẵn trên bàn. Không phải lúc nào họ cũng có thể hớn hở làm bếp với công thức tình yêu trong túi, mắt long lanh khi nêm gia vị, và hạnh phúc khi nghĩ đến cảnh chồng con quây quần trong bữa cơm gia đình.
Nhiều người, như tôi, đã từng buồn bã chạnh lòng vì bỏ công nấu nướng một bữa nóng sốt mà chờ đến nguội ngắt cũng chẳng có người cùng cầm đũa, nhưng cũng sẽ có khi chỉ mong tối nay được ở một mình, không dầu, không mỡ, không đỏ lửa, bản thân thì bằng lòng với bát mì úp vội. Nhưng có ai mà bỏ được cơm nhà, có ai mà chán được cơm cả đời cơ chứ? Bếp lửa thì không thể từ bỏ, giập tắt, nhưng cũng chỉ có thể leo lét như thế.
Cuộc sống hôn nhân là căn bếp ấy, có yêu có giận, có mặn có ngọt. Mở lồng bàn đậy mâm cơm vừa nấu, thấy món yêu thích của chồng, món khoái khẩu của con, mới hiểu cái tình, cái chăm chút quan tâm của người đi chợ, người vào bếp. Ở ngoài thế gian bao nhiêu sơn hào hải vị, nhưng vẫn chỉ mong về ăn bát canh nóng ở nhà, đó mới là cái nặng lòng mà gian bếp nhẹ nhàng gom vào tất cả. Ngày hôm nay khi bạn vào bếp, cứ thử nghĩ xem liệu căn bếp ấy đã nói với mình điều gì trong suốt những ngày qua. Ấm áp hay lạnh lẽo, chẳng phải do một người giữ lửa. Đã đến lúc những người sống chung với nhau nên cùng nhau “cời than, nhóm lửa”.
->Mỹ Ngọc Bolero nhớ Tết xưa trong gia đình có 11 anh chị em