Vắc xin AstraZeneca ước tính ngăn ngừa hơn 232.000 ca tử vong COVID-19 ở Việt Nam

Với tổng số hơn 72 triệu liều đã được cung ứng tại Việt Nam, vắc xin AstraZeneca là một trong những loại vắc xin COVID-19 được sử dụng nhiều nhất trong nước.

Vắc xin AstraZeneca là vắc xin COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp, cũng như được cung ứng với số lượng lớn để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng quốc gia, ứng phó với đại dịch của Việt Nam. Theo ước tính, vắc xin này đã ngăn ngừa 232.766 ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam.

Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi khu vực Châu Á, cho biết, AstraZeneca cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế và các đối tác trên hành trình bảo vệ sức khỏe của người dân, cũng như để đạt được mục tiêu dài hạn chung chính là tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế.

 Với tổng số hơn 72 triệu liều đã được cung ứng tại Việt Nam, vắc xin AstraZeneca là một trong những loại vắc xin COVID-19 được sử dụng nhiều nhất trong nước. 

Chương trình phân tích dữ liệu này được thực hiện bởi tổ chức Airfinity, với dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian từ 8/12/2020 đến 8/12/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được ước tính đã cứu sống được 6,3 triệu người trên toàn cầu.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, AstraZeneca và các đối tác toàn cầu đã cung ứng hơn 3 tỷ liều vắc xin cho hơn 180 quốc gia, và khoảng 2/3 số liều này đã được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Sau hai liều, vắc xin “vectơ vi rút” của AstraZeneca và các loại vắc xin COVID-19 theo công nghệ mRNA đều cung cấp khả năng bảo vệ cao tương đương nhau trong việc ngăn ngừa nhâp viện (91,3 - 92,5%) và tử vong (91,4 - 93,3%), ở bất kể độ tuổi nào và không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai loại vắc xin4.

Vào tháng 7/2022, dữ liệu từ một nghiên cứu đời thực của Đại học Chiang Mai, Thái Lan, cho thấy vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có hiệu quả 73% trong việc ngừa nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron, khi được sử dụng làm mũi bốn (liều nhắc lại thứ hai) và tiêm trộn với bất kỳ loại vắc xin cơ bản hoặc nhắc lại nào trước đó.5

Nhằm tăng cường sự bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và thuộc nhóm nguy cơ cao trước COVID-19, AstraZeneca cũng đã phát triển một hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài, đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 3 năm 2022 sau khi được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu đặc biệt.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, bộ đôi kháng thể này có tác dụng trung hòa chống lại các biến thể phụ Omicron của vi rút SARS-CoV-2 và tất cả các biến thể đã được nghiên cứu cho đến nay. 

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, trước đây là AZD1222, được phát minh bởi Đại học Oxford. Vắc xin sử dụng véc tơ vi-rút tinh tinh mất khả năng sao chép (dựa trên phiên bản suy yếu của vi-rút cảm lạnh thông thường (adenovirus) gây nhiễm ở tinh tinh) và chứa vật liệu di truyền mã hóa protein gai của vi-rút SARS-CoV-2.

Sau khi tiêm vắc xin, các protein gai bề mặt được tạo ra, tạo mồi cho hệ thống miễn dịch để tấn công vi rút SARS-CoV-2 nếu vi rút này sau đó lây nhiễm vào cơ thể. Vắc xin đã được cấp phép có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp ở hơn 125 quốc gia và nằm trong Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, giúp đẩy nhanh tiếp cận cho 144 quốc gia thông qua Cơ chế COVAX.