Những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Trong thời điểm giao mùa, nhất là chuyển sang mùa hè thì bệnh chân tay miệng ở trẻ có xu hướng gia tăng.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ…Bệnh thường có những dấu hiệu khác nhau tùy vào từng giai đoạn cụ thể của bệnh.

Gọi là bệnh tay chân miệng vì bệnh có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân, miệng. (Ảnh minh họa)

-> Cách giúp trẻ mau khỏi viêm họng

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng: từ từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh:

- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

- Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Theo đó, dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

Khi phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Video: Mẹo đẩy lùi bệnh "tay chân miệng" ở trẻ em (Nguồn: VTC)