Người lao động chật vật giữa “cơn bão” tăng giá

Giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đã kéo theo việc hàng loạt mặt hàng nhu yếu phẩm “ào ào” lên giá khiến người dân chật vật trong việc thắt chặt chi tiêu.

Mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá “chóng mặt”

Nếu như trước đây thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 thì hiện nay người dân còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát, giá cả leo thang khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn.

Bà Minh Ngọc - cán bộ về hưu tại phường Hà Cầu, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, dạo gần đây chi phí mỗi khi đi chợ của gia đình bà tốn kém hơn rất nhiều do giá cả “tát nước” tăng theo giá xăng dầu. 

“Trước tôi mua mớ rau chỉ có 3.000 - 5.000 đồng giờ phải trả 8.000 - 10.000 đồng/1 mớ. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng tăng theo như thịt lợn, trứng, dầu ăn, mì tôm... đều cao hơn so với các thời điểm trước. Khi tôi trả giá với người bán thì nhận được câu trả lời rằng giá xăng tăng kéo theo chi phí vận chuyển cao hơn thường ngày nên phải tính gộp vào giá bán”, bà Ngọc cho hay.

Các mặt hàng tăng giá, nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu

Bà Ngọc than thở, với 4 triệu đồng lương hưu cho một tháng trong thời buổi giá cả nhiễu loạn như hiện nay bà thật sự đau đầu. Làm sao để chi tiêu hợp lý trong khi giá cả tăng mạnh nhưng không được hụt quá nhiều vào số tiền lương ít ỏi là điều hàng ngày bà phải tính toán.

Tương tự, chị Thu Oanh (ở Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội) cũng "đau đầu" khi "lương không tăng nhưng các khoản chi tiêu tăng vùn vụt".

“Bình thường tôi đổ xăng chỉ mất 70.000 đồng/ bình giờ lên tới 100.000 đồng/ bình. Đi chợ thì các loại rau xanh, đường mắm, dầu ăn đều đồng loạt lên giá, đến đồ ăn sáng cũng tăng. Trung bình mỗi tuần tôi phải chi thêm từ 350.000 - 500.000 đồng cho các chi phí cơ bản”, chị Oanh cho biết.

So với nhiều người, chi phí tăng 2 - 3 triệu đồng/tháng có lẽ không lớn nhưng với chị Oanh con số đó ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tài chính của gia đình khiến cả nhà có thể phải bóp mồm bóp miệng, thắt chặt chi tiêu nếu giả cả hàng hóa tiếp tục leo thang.

Không chỉ riêng người mua hàng cảm thấy lao đao vì giá cả, người bán cũng bất ngờ với mặt bằng giá hiện nay. Chị Huê - chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay các mối hàng của chị liên tục báo tăng giá, chi phí vận chuyển cũng tăng khiến giá cả hàng hóa bán ra buộc phải tăng theo khiến lượng khách mua và số hàng bán ra thị trường giảm sút khá nhiều.

Tại khu vực chợ Hà Đông, hầu hết giá của các mặt hàng thực phẩm đã tăng lên 10 - 20% so với trước kia

Tăng giá sản phẩm để bù lỗ có dẫn đến lạm phát tiêu cực kéo dài?

Theo các chuyên gia, việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, nguồn cung xăng dầu mất cân đối trên thế giới và trong nước. Tính từ đầu năm đến nay Việt Nam đã có 6 lần tăng giá xăng và hiện ở mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời điểm này không chỉ gây sức ép về mặt kinh tế đến các hộ gia đình mà còn đẩy rất nhiều tiểu thương vào tình trạng đứng ngồi không yên. Bởi hàng hóa bị ảnh hưởng do giá xăng dầu, xăng tăng làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, xăng dầu tăng còn làm tăng giá các loại hàng hóa trong khâu lưu thông, ngây nguy cơ lạm phát cao, giảm sức cạnh tranh của các loại hàng hóa trong nước.

Giá xăng tăng kéo theo sự leo thang của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, việc tăng giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây đang là nguyên nhân chính làm gia tăng lạm phát. Hai tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng 1,68%. Trong đó, riêng giá xăng dầu đã đóng góp 1,63%, đây là con số chiếm tỷ trọng rất lớn.

Giá xăng dầu tăng sẽ dẫn đến hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo. Theo ông Lâm các bộ ngành cần áp dụng cả các giải pháp khác, sử dụng phối hợp nhiều công cụ để kiểm soát giá xăng dầu như giảm các loại thuế phí, thuế VAT, thuế môi trường, thuế nhập khẩu... để không làm giá xăng dầu tăng đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế.

Trong thời gian tới, với bối cảnh thế giới, địa chính trị phức tạp, giá xăng dầu có thể vẫn tăng mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc các giải pháp điều chỉnh để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, điều cần tập trung hiện nay là phục hồi kinh tế vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng tiềm năng dài hạn. Để đạt được điều này rõ ràng vai trò của việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát là hết sức quan trọng.

Trước hết, cần ổn định nền kinh tế vĩ mô, sau đó cần kiểm soát được sự tăng của giá cả hàng hóa tiêu dùng, qua đó chúng ta sẽ có nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.