Lênh đênh hành trình “gọi tên” cho bất động sản nghỉ dưỡng

Đã hơn 2 tháng khi ngành du lịch sôi động trở lại, câu chuyện về pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, tại 15 địa phương gồm: Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang, có tới 239 dự án bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 114.097 căn hộ condotel, 24.399 villa và 30.899 shophouse (nhà phố thương mại), tổng giá trị lên tới 30 tỷ USD.

Còn theo theo thống kê của Savills, trong năm 2022, thị trường dự kiến sẽ có hơn 8.000 sản phẩm condotel được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu khách sạn quốc tế và khu vực.

Có thể thấy, BĐS nghỉ dưỡng đang đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp và cũng là động lực quan trọng để thị trường địa ốc sôi động trở lại. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch phục hồi và hàng loạt tín hiệu tích cực được triển khai như: Các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông…

Việc định danh theo văn bản pháp lý vẫn đang bị bỏ ngỏ với loại hình BĐS nghỉ dưỡng

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA, hiện có hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp (người mua các đơn vị dự án BĐS nghỉ dưỡng) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

Ông Đính cho rằng trong ngắn hạn, nhà chức trách cần nghiên cứu ban hành những quy định bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp. Đơn cử như việc ban hành những giấy tờ có giá trị khẳng định quyền quyết định đối với BĐS du lịch - nghỉ dưỡng mà họ đầu tư. Những giấy tờ đó có thể chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp... mà các cơ quan, tổ chức liên quan thừa nhận. Nói cách khác, chính là tài sản của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ.

Cùng luận bàn, nhiều chuyên gia nêu ý kiến với những dự án đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, cơ quan quản lý địa phương cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Để đảm bảo tính hợp lý,  các dự án và sản phẩm được hợp thức hóa phải đóng bổ sung tiền chuyển đổi mục đích theo giá thị trường và thuế sử dụng đất hàng năm do địa phương ban hành.

Ngoài loại hình condotel, ở các dự án nghỉ dưỡng, thương mại - dịch vụ còn có dạng căn hộ chung cư. Vì vậy, khi cấp chứng nhận cho condotel, cơ quan nhà nước, chủ đầu tư nên phân định rõ tiêu chí, xác lập quyền cũng như lợi ích của các bên sở hữu loại hình khác nhau trong một dự án, một khu vực. Ví dụ khu vực nào của người sở hữu lâu dài, khu vực nào của sở hữu có thời hạn. Trong khu vực chung thì phần nào sở hữu chung - riêng, cần chi tiết hóa loại hình này để tránh tranh chấp rắc rối, nhập nhằng quyền lợi cho các bên về sau.

Tại một tọa đàm về BĐS du lịch được tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong khi chờ các luật công nhận "danh phận" BĐS du lịch thì cần Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành nghị định để tháo gỡ vướng mắc cho loại hình BĐS này.